Tổ chức Hội nghị Tổng kết và nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm năm 2019 trên địa bàn huyện

Tổ chức Hội nghị Tổng kết và nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm năm 2019 trên địa bàn huyện

Sáng ngày 12/9/2019, UBND huyện Chư Pưh tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết và nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm năm 2019 trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức ở 04 điểm cầu tại 04 cụm xã (cụm Ia Le gồm các xã: Ia Le, Ia Blứ; cụm Ia Phang gồm các xã:  Ia Phang, Nhơn Hòa, Chư Don; cụm Ia Hrú gồm các xã: Ia Hrú, Ia Dreng, Ia Rong và cụm Ia Hla) và 01 điểm cầu trung tâm tại phòng họp, UBND huyện.

1.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

2.jpg
Điểm cầu tại xã Ia Hrú
 
Trong những năm qua, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thay thế một số loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập người dân,cải thiện đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo.Trong đó việc chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. 
 

4.jpg
Điểm cầu tại xã Ia Le
 
Trước tình hình các sản phẩm cây công nghiệp xuống thấp, không ổn định, nhiều diện tích bị chết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cuối năm 2018, huyện Chư Pưh đã chỉ đạo và bố trí kinh phí triển khai 06 mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn 06 xã, thị trấn, đã cấp 240.000 hom giống dâu S7-CB, cấp 12 hộp tằm con giống ngủ tuổi 3 dậy ăn 4 cho 09 hộ dân tham gia mô hình có vườn dâu đạt tiêu chuẩn để nuôi tằm. Đến nay các mô hình đã mang lại kết quả và thu nhập tương đối ổn định cho người nông dân. Ngoài các hộ tham gia mô hình, một số hộ dân đã tự tìm tòi, học hỏi và đầu tư trồng dâu nuôi tằm, qua rà soát, đến nay trên địa bàn toàn huyện đã trồng được 18,6 ha dâu để nuôi tằm, với 39 hộ. Trung bình 0,2 ha dâu, nuôi được 01 hộp giống tằm con cho thu hoạch sau 15 ngày nuôi và đạt từ 45-48 kg kén, với giá kén thời điểm hiện tại dao động từ 120-130 đồng/kg, 1 hộp tằm cho thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/hộp và mỗi tháng nuôi được 2 lứa tằm, thu khoảng 9-10 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí đầu tư lợi nhuận mỗi tháng thu nhập từ 5-6 triệu đồng/0,2 ha.
Trong đầu năm 2019, UBND huyện đã tiếp tục, tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện, các địa phương triển khai, nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty Dâu tằm tơ Mang Yang, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, hiện tại có 39 hộ đăng ký tham gia, diện tích trên 17 ha. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dâu Tằm tơ Mang Yang, ông Nguyễn Quốc Cảnh đã thông qua một số cơ chế, chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối và mở rộng diện tích, thị trường về phát triển mô hình trồng dâu trong thời gian đến trên địa bàn huyện Chư Pưh.
Sau thời gian triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện trong những năm qua cho thấy mô hình trồng dâu nuôi nuôi tằm là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ làm, phù hợp phát triển trên địa bàn huyện và đặc biệt là điều kiện thực tế hiện nay. Với chi phí đầu tư cho trồng dâu, nuôi tằm không cao, một lần trồng có thể cho thu hoạch từ 15-20 năm. Cây dâu lại không kén đất, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau, sau từ 4-6 tháng có thể cho thu hoạch lá để nuôi tằm, việc chăm sóc cây dâu lại không đòi hỏi đầu tư quá cao. Đầu tư chi phí ban đâu tương đối thấp mà nuôi tằm lại cho thu hoạch nhanh, chỉ sau 15-20 ngày đã cho thu hoạch một lứa tằm, sản phẩm kén tằm tạo ra được thị trường tiêu thụ ổn định, với mức giá giao động từ 120.000 đồng-130.000 đồng/1kg. Việc trồng dâu nuôi tằm là nghề tạo công ăn việc làm thường xuyên, tận dụng lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

5.jpg
Đồng chí Phó Chủ tịch TT UBND huyện phát biểu Kết luận
 
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu tại địa phương, nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình đẩy mạnh phát triển diện tích và thị trường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện trong thời gian đến nhằm thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Các ngành chuyên môn, các địa phương cần chủ động, tiếp tục hướng dẫn các hộ dân ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần dâu tằm tơ Mang Yang cung cấp cây giống, con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén cho các tất cả các hộ nông dân trên địa bàn huyện; tham mưu thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoặc Nông hội để phát triển mô hình; Hệ thống chính trị các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình cho bà con nông dân trên địa bàn, vận động nhân dân trồng dâu nuôi tằm năm 2019-2020 và các năm tiếp theo để phát triển kinh tế.
                                                                                                  Hoan Đinh

Quay lại