Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Pưh đi thăm mô hình trồng Sâm Bố Chính tại xã Ia Hrú

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Pưh đi thăm mô hình trồng Sâm Bố Chính tại xã Ia Hrú

Sáng ngày 29/11/2019, đồng chí Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch TT UBND huyện Chư Pưh đã cùng ngành nông nghiệp, UBND xã Ia Hrú đi kiểm tra mô hình trồng sâm Bố Chính tại xã Ia Hrú.

9.jpg
Toàn cảnh buổi đi thực tế
 
Hiện nay trên địa bàn xã Ia Hrú có 4 hộ triển khai trồng thử nghiệm mô hình mới - trồng Sâm Bố Chính với 3ha. Nhiều nhất có hộ ông Vũ Đức Sắp, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã trồng 2,1ha tại thôn Plei Dư, xã Ia Hrú. Mô hình tuy mới trồng nhưng cây sinh trưởng, phát triển tốt. Cây sâm bố chính (hay còn gọi là sâm Phú Yên, sâm khu Năm...) hiện được nhiều người dân trong cả nước trồng với diện tích lớn. Đây là cây dược liệu quý, mang lại giá trị kinh tế cao. Loại cây này phân bố khắp các tỉnh, thành trên cả nước, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung. Đây là loại cây hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể là mô hình phát triển kinh tế mới cho các hộ dân trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Sâm bố chính là cây dược liệu quý có khả năng phòng và điều trị được rất nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, ho, viêm phế quản, nóng sốt. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, cây còn có thể làm cảnh để trang trí sân vườn. Ông Vũ Đức Sắp, cho hay loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, ông đang trồng thử nghiệm nếu khi thu hoạch có hiệu quả ông sẽ mở rộng diện tích và tuyên truyền để người dân biết, cùng sản xuất với ông.

10.jpg
Cây Sâm Bố chính khi mới trồng
Tại buổi kiểm tra, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo người dân để cây phát triển và cho năng suất cao, người trồng cần chú ý khâu xử lý đất. Đất trồng cây sâm bố chính cần đảm bảo độ tơi xốp, đủ sáng, độ ẩm trung bình. Để làm được điều này, người trồng phải cày đất phơi ải trong vòng 15 ngày. Sau đó, cày lại một lượt và rắc vôi bột phơi tiếp 15 ngày để khử vi khuẩn gây hại trong đất. Sau khi đất tơi xốp, rải phân chuồng ủ hoai mục trộn đều với đất rồi lên luống để xuống giống. Để hạt giống nảy mầm đạt tỷ lệ cao cần ươm hạt thành hom sau đó đem trồng. Thời điểm ươm hạt vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm và trồng vào tháng 12 là hợp lý nhất. Nếu xuống giống trực tiếp thì cần ngâm nước ấm khoảng nửa ngày, sau đó trộn với tro bếp và cát mịn rồi gieo theo luống. Sâm bố chính dễ trồng, không cần quá nhiều công chăm sóc, hy vọng đây có thể là một hướng sản xuất mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, giúp bà con nhân dân tăng thu nhập và vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của cây Hồ tiêu bị bệnh, chết.
                                                                                         Hoan Đinh

Quay lại