Trang chủ > Chuyên mục > Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh > PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA”: “ đạo đức cách mạng là nền tảng trong sự nghiệp cách mạn

PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA”: “ đạo đức cách mạng là nền tảng trong sự nghiệp cách mạng”

Ngày đăng bài: 10/01/2019
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đạo đức cách mạng cần phải được rèn luyện, tu dưỡng không chỉ trong học tập ở trường lớp mà còn trong mọi hoạt động cách mạng. Thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng, từ thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến và trong công việc xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và đấu tranh thống nhất nước nhà, đều là những trường học rất tốt cho chúng ta rèn luyện đạo đức cách mạng. Ở đây đã bao hàm sự thống nhất giữa học và hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, đó là con đường, phương thức rèn luyện đạo đức cách mạng.

bac-ho.jpg
Theo Bác, đối với người cách mạng và sự nghiệp cách mạng, đạo đức cách mạng cần thiết cả khi gặp khó khăn, cả khi gặp thuận lợi và thành công. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người, mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”.
Một biểu hiện cao quý khác của đạo đức cách mạng là khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”.
Người có đạo đức là người thể hiện đúng các đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, trung thực, khiêm tốn, nêu cao trách nhiệm, vị tha chứ không vị kỷ, lo cống hiến chứ không đòi hưởng thụ, có ý chí, nghị lực, bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là vượt lên chính mình, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân ngay trong bản thân mình. Đó là đạo đức, nhân cách của người mà “nghèo khó không chuyển lay, giàu sang không quyến rũ, uy vũ không khuất phục”. Chỉ như thế mới xứng đáng là người cách mạng và đóng góp vào sự thành công của cách mạng.
Đạo đức cách mạng là “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”. Người cũng đồng thời chỉ rõ, đạo đức cách mạng ấy chính là đạo đức của Đảng, thấm nhuần sâu sắc bản chất giai cấp công nhân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và người dân lao động. Cho nên, “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” năm 1958, là thời điểm miền Bắc đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, thực hiện kế hoạch ba năm để phát triển sản xuất, bắt đầu thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, kêu gọi bà con nông dân hăng hái vào tổ đổi công và hợp tác xã. Đó là những bước đi đầu tiên để đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, làm hậu thuẫn cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và hết lòng hết sức chi viện cho cách mạng ở miền Nam. Tình hình ấy đòi hỏi CB, ĐV phải ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, tiếp tục phấn đấu hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc. Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng”.
Người đòi hỏi mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân. Không rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân thì những đảng viên mắc vào căn bệnh này sẽ dần dần xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng… “Những người như thế, sẽ bị quần chúng bỏ rơi, quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ”. Nhận xét, đánh giá, phê phán xác đáng này của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân và tình trạng suy thoái do chủ nghĩa cá nhân gây ra, cho đến nay vẫn không hề mất đi tính thời sự, tính cảnh báo đối với từng CB, ĐV, cho toàn Đảng khi đang phải đối mặt với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của sự nghiệp cách mạng, theo Hồ Chí Minh, “tất cả đảng viên, đoàn viên, tất cả cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó bảo đảm cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc thực hành nêu gương, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất. Toàn Đảng ta đang ra sức thực hiện những chỉ dẫn đó của Người. Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, đã quy định trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó càng cho thấy giá trị và ý nghĩa to lớn, sức sống bền bỉ của Tư tưởng-Đạo đức-Phong cách Hồ Chí Minh, qua tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Người.
                                                                                      Minh Châu
(sưu tầm và biên soạn theo nguồn Quân đội nhân dân)

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 24
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png