Trang chủ > Chuyên mục > Thông tin tuyên truyền > Phổ biến giáo dục pháp luật > Tiếp cận thông tin > BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 07/2020 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 7/2020

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 07/2020 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 7/2020

Ngày đăng bài: 15/07/2020
1. Luật quản lý thuế 2019 
Luật Quản lý thuế có hiệu lực 01/7/2020, theo đó: Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Như vậy, không còn quy định trong thời hạn 10 ngày làm việc như hiện hành yêu cầu người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế.
- Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế (hiện hành là 10 ngày làm việc).
- Trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 02 ngày làm việckể từ ngày nhận đủ hồ sơ (hiện hành là 05 ngày làm việc).
2. Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019
 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó Bổ sung khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước:
+ Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng;
+ Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Bổ sung quy định về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng, Tổng kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.
- Đơn vị được kiểm toán được quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.
3. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 có hiệu lực 01/7/2020, theo đó quy định rõ phạm vi thông tin bí mật nhà nước (BMNN) thuộc từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ như:
+ Thông tin về giáo dục và đào tạo có đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia;
+ Thông tin về y tế, dân số có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số
- Quy định thời hạn bảo vệ BMNN là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của BMNN đến hết thời hạn sau đây:
+ 30 năm đối với BMNN độ Tuyệt mật;
+ 20 năm đối với BMNN độ Tối mật;
+ 10 năm đối với BMNN độ Mật.
- Các trường hợp BMNN được giải mật toàn bộ hoặc một phần gồm có:
+ Hết thời hạn bảo vệ BMNN quy định tại Điều 19 và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018;
+ Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;
+ Không còn thuộc danh mục BMNN.
4. Luật dân quân tự vệ 2019 
Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực 01/7/2020, theo đó thành phần của dân quân tự vệ:
+ Không còn phân chia dân quân tự vệ thành dân quân tự vệ nòng cốt và dân quân tự vệ rộng rãi như Luật dân quân tự vệ 2009;
+ Bổ sung thêm trong thành phần có dân quân tự vệ thường trực và dân quân tự vệ biển.
- Thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, đơn cử như:
+ Nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
+ Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
+ Người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài
.5. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019
Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có hiệu lực 01/7/2020, theo đó hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với 03 đối tượng sau:
+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
+ Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật viên chức 2010;
+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn .Ngoài ra, thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (hiện nay tối đa chỉ đến 36 tháng);
- Bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển:
+ Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
- Hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
6. Luật giáo dục 2019
Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó quy định mới về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV):
+ Mầm non: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (hiện nay chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm);
+ Tiểu học, THCS, THPT: có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên, nếu môn học chưa đủ GV đáp ứng yêu cầu này thì GV phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
- Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, tuy nhiên sẽ phải hoàn trả lại nếu sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp:
+ Không công tác trong ngành giáo dục;
+ Công tác không đủ thời gian quy định.
7. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ 4 trường hợp sau:
+ Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định;
+ Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
+ Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động (GPLĐ) hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định;
+ Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có GPLĐ hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định.
- Sửa đổi, bổ sung thêm các ký hiệu thị thực như: LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4, DN1, DN2, LĐ1, LĐ2 (hiện hành chỉ có các ký hiệu là ĐT, DN, LĐ);
- Luật hóa quy định về thị thực điện tử:
+ Ký hiệu EV, có giá trị một lần và có thời hạn không quá 30 ngày;
+ Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh phải đủ các điều kiện theo quy định và phải nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
8. Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó không còn khái niệm họp bất thường trong hoạt động của Chính phủ, HĐND và UBND mà thay vào đó sẽ là họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.
- Bổ sung thêm 01 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 02 người, đã được tăng thêm 01 người so với quy định hiện hành.
- Tổng số đại biểu HĐND TP.Hà Nội, TP.HCM được bầu là 95 đại biểu (hiện nay là 105 đại biểu).
Ngoài ra, Luật mới còn quy định điều chỉnh giảm số lượng đại biểu HĐND và thay đổi số lượng thành viên thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã.
9. Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 
Luật Lực lượng dự bị động viên 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó quy định 04 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm:
+ Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ;
+ Khi thi hành lệnh thiết quân luật;
+ Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp;
+ Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
- Quy định về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên:
+ Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường  trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên.
+ Đơn vị dự bị động viên phải duy trì quân số quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15% và dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.
10. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử: Luật quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người được cấp.
 Được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Các loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử bao gồm:
- Hộ chiếu ngoại giao;
- Hộ chiếu công vụ; 
- Hộ chiếu phổ thông.
11. Luật Thư viện 2019
Luật Thư viện 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó đã mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, cụ thể: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;
- Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện
- Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện;
- Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
12. Luật Kiến trúc 2019
Luật Kiến trúc 2019, có hiệu lực 01/7/2020, theo đó điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:
- Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;
- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;
Trường hợp cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc sẽ được miễn điều kiện này.
- Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trường hợp cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện này.
13. Lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp
Ngày 05/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực 01/7/2020. Theo đó, đưa ra lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như sau:
Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi):
- Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.
- Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu sau:
+ 4.000.000 đồng/năm đối với cơ sở lưu lượng nước thải bình quân từ 10 đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ);
+ 3.000.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 05 đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ).
+ 2.500.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 05 m3/ngày (24 giờ).
14. Quy định về sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
Ngày 28/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 26/2020/NĐCP hướng dẫn Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, có hiệu lực 01/7/2020.
Theo đó, việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quy định như sau:
- Sao tài liệu bí mật nhà nước là việc chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu. Chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Hình thức sao tài liệu bí mật nhà nước gồm sao y bản chính, sao lục và trích sao.
- Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành tại địa điểm bảo đảm an toàn do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định.
- Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.
15. Những việc hiệu trưởng trường công lập phải công khai
Ngày19/5/2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2020/TTBGDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực 01/7/2020. Theo đó, quy định 12 việc hiệu trưởng phải công khai:
-  09 việc phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết, đơn cử như:
+ Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạtđộng của cơ sở giáo dục;
+ Các nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục;
+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cơ sở giáo dục;...
- 03 việc phải công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật:
+ Những việc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
+ Tất cả các quy định của cơ sở giáo dục liên quan đến việc học tập của người học theo quy định của pháp luật;
+ Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
16. Từ 01/7/2020, cho phép xã, phường loại II có 02 Phó Chủ tịch
Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 69/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.
Theo quy định mới từ ngày 01/7/2020, xã, phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã, phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND. Trước đây quy định xã, phường, thị trấn loại II có không quá 01 Phó chủ tịch UBND.
17. Từ 01/7/2020, chính thức áp dụng xử lý kỷ luật cán bộ, công chứcvi phạm pháp luật xử lý VPHC 
Ngày 12/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực 31/3/2020, riêng các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực 01/7/2020.Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
18. Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng
Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng
19. Chỉ 3 trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức
Theo Nghị định số 62 ngày 01/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/7/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 03 trường hợp:
- Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao...
- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.  
20. Họ tên người tố cáo tham nhũng là bí mật nhà nước  
Ngày 05/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 774/QĐ-TTg năm 2020 về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực 01/7/2020. Theo đó, danh mục bí mật nhà nước mức độ mật trong hoạt động phòng, chống tham nhũng gồm: Họ tên, địa chỉ, bút tích của người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng, trừ trường hợp người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng có yêu cầu khác;
- Nội dung báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng;
- Kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh, báo cáo về tham nhũng;
- Những thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không công khai.

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 3
Tổng số lượt truy cập: 7
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png