Trang chủ > Chuyên mục > Thông tin tuyên truyền > Phổ biến giáo dục pháp luật > Tiếp cận thông tin > BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 10/2020 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 10/2020)

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 10/2020 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 10/2020)

Ngày đăng bài: 12/10/2020
1. Bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10 quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu. Mức phạt thấp nhất là 500.000 - 01 triệu đồng áp dụng với giá trị hàng hóa dưới 03 triệu đồng.
Đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng, phạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng).
Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).
2. Người dùng có 3 cách chặn tin nhắn, cuộc gọi rác
Theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2020, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho Người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép Người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
03 cách chặn tin nhắn, cuộc gọi rác gồm:
- Chuyển thông tin về tin nhắn, cuộc gọi rác đến đầu số 5656
- Từ chối nhận tin nhắn quảng cáo
- Đăng ký số điện thoại vào Danh sách không quảng cáo.
3. Làm hư hại cột cờ, bia chủ quyền… biên giới, phạt đến 100 triệu đồng
Tại Nghị định 96/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/10 quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau:
- Làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo;
- Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia;
- Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;
- Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.
Tuy nhiên, đây là mức phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Tổ chức vi phạm thì mức  phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, tương ứng 80 - 100 triệu đồng.
4. Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai
Tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/10 quy định hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng (trước đây phạt từ 02 - 04 triệu đồng) trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.
5. Mua hàng miễn thuế được nhận hàng ở nước ngoài
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 100/2020/NĐ-CP về việc kinh doanh hàng miễn thuế có hiệu lực từ 15/10.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định này, người mua hàng miễn thuế được nhận tại các địa điểm sau:
- Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu quốc tế nơi hành khách xuất cảnh;
- Khách du lịch là người nước ngoài theo đoàn bằng đường biển, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế mua hàng miễn thuế trong nội địa: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu cảng biển loại 01 nơi khách du lịch xuất cảnh.
Đáng chú ý, ngoài địa điểm nhận hàng quy định trên, khách mua hàng (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) được nhận hàng ở nước ngoài. Đây là quy định mới được bổ sung tại Nghị định 100 năm 2020.
6. Thêm nhiều công việc yêu cầu nghiêm về an toàn lao động
Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH đã bổ sung nhiều công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, gồm:
- Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa;
- Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp;
- Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30 kg trở lên;
- Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/10/2020.
7. Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn có thể bị thôi việc
Việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT.
Theo Thông tư này, giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định nêu trên, tùy vào trường hợp cụ thể có thể thực hiện các quy định về thôi việc và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.
8. Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra
Nội dung này được nhắc đến tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ 20/10/2020.
Học sinh tiểu học sẽ được đánh giá bằng 02 hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Đánh giá định kỳ được thực hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Bài kiếm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.
(Quy định trước đây: Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân…).
Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra từ 20/10/2020.
9. Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường tiểu học.
Nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau:
- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;
- Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
10. Phải nộp đến 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại
Thông tư 23/2020/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành đã quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại từ ngày 30/10/2020.
Cụ thể, mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở quy định cụ thể như sau:
- Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống: 98.000 đồng;
- Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: 231.000 đồng;
- Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV: 339.000 đồng.
11. Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Ngày 14/8/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2020/TT-BTC về việc hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự.
Cụ thể, kỳ kế toán gồm: kỳ kế toán năm: tính tròn 12 tháng theo năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước đến hết ngày 30/9 năm sau; kỳ kế toán quý tính từ ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý; kỳ kế toán tháng tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
Bên cạnh đó, các cơ quan Thi hành án dân sự các cấp phải chịu trách nhiệm lập báo cáo theo định kỳ và nộp cho đơn vị cấp trên trực tiếp và đơn vị dự toán theo quy định. Báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự được lập theo kỳ quý, năm (30/9 hàng năm) hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Báo cáo tài chính được lập tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định, nộp cho cơ quan cấp trên cùng với báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự.Ngoài ra, đơn vị phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12 hàng năm nộp cho đơn vị dự toán để tổng hợp báo cáo tài chính chung của cơ quan Thi hành án các cấp nộp cho đơn vụ cấp trên trực tiếp.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2020.
12. Không quá 1/3 số lượng Chiến sĩ thi đua cơ sở là cán bộ quản lý
Ngày 31/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.
Theo đó, việc xét thi đua, khen thưởng phải đảm bảo các yêu cầu sau: Không áp đặt chỉ tiêu thi đưa, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định;
Việc đánh giá, công nhận các danh hiệu thi đua và phạm vi ảnh hưởng của thành tích phải căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm không quá 1/3 số lượng công chức, viên chức, người lao động được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, các hình thức khen thưởng cấp Bộ là cán bộ quản lý;…Ngoài ra, hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu cấp Bộ gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/8 hằng năm đối với đơn vị xét thi đua theo năm học và trước 31/01 hằng năm đối với đơn vị xét thi đua theo năm công tác.
Đối với hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm trình Bộ trưởng xét, quyết định khen thưởng hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2020.
13. 32 công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Ngày 20/8/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH về việc ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Cụ thể, Danh mục 32 công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đó là:
Thứ nhất, làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2m trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm.
Thứ hai, làm việc trong không gian hạn chế hoặc có khả năng phát sinh các khí độc như hầm, đường hầm, bể, giếng, đường cống và các công trình ngầm; vận hành, bảo dưỡng các loại đường ống khí; các công việc làm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại, xử lý nước thải, rác thải, thông tắc cống.
Thứ ba, trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên.Thứ tư, khám, chữa bệnh; chăm sóc người khuyết tật, người bệnh; giải phẫu bệnh, giám định pháp y, xét nghiệm vi sinh vật; các công việc trong lĩnh vực dược phẩm…
Bên cạnh đó, những công việc như: diễn viên xiếc, xiếc thú; vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên thể dục, thể thao chuyên nghiệp; trực tiếp làm hỏa táng, địa táng; trực tiếp vận hành sản xuất, chế biến bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, dầu ăn, bánh kẹo, sữa;… cũng yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/10/2020.
14. Không bố trí giảng dạy với giáo viên không đạt chuẩn sau 02 năm đào tạo
Ngày 25/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 10/10/2020.
Theo đó, trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm Thông tư này có hiệu lực, giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì được tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.
Trường hợp giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí làm việc khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu.
Trường hợp tương tự với cán bộ quản lý giáo dục có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn hiệu trưởng trở lên hoặc được phân loại, đánh giá công chức, viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục đảm nhiệm chức vụ quản lý trường học cho hết nhiệm kỳ bổ nhiệm. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, không thực hiện bổ nhiệm lại mà bố trí sang vị trí làm việc khác phù hợp cho đến khi nghỉ hưu.
15. Từ 11/10, hiệu trưởng THPT chuyên không được quy định thêm bài kiểm tra với môn chuyên
Ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, từ 11/10, hiệu trưởng THPT chuyên không được quy định thêm bài kiểm tra với môn chuyên. Thay vì trước đây theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, Hiệu trưởng trường THPT chuyên có thể quy định thêm một số bài kiểm tra đối với môn chuyên.
Bên cạnh đó, bổ sung thêm quy định về xét công nhận danh hiệu học sinh như sau: Học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện được Hiệu trưởng tặng giấy khen
.Ngoài ra, Hiệu trưởng căn cứ kết quả học tập các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh khuyết tật để xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung hoặc căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân đối với học sinh khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung để xét lên lớp.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11/10/2020.
16. Hướng dẫn thực hiện đánh giá hoạt động của thư viện
Ngày 28/8/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 05/2020/TT-BVHTTDL quy định về đánh giá hoạt động thư viện.
Theo đó, thư viện tự đánh giá theo các tiêu chí của tiêu chuẩn quốc gia hoặc các tiêu chí do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện lựa chọn từ bộ tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc gia trên nguyên tắc bảo đảm các nhóm tiêu chí phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quy mô và vai trò của thư viện. Thư viện tự đánh giá và gửi báo cáo kết quả chậm nhất vào ngày 30/12 hằng nằm hoặc 60 ngày sau khi kết thúc năm học đối với trường hợp đánh giá theo năm học.
Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện và cơ quan quản lý Nhà nước về thư viện thực hiện đánh giá theo một trong ba phương thức sau:
Thông qua báo cáo kết quả tự đánh giá hoạt động hằng năm của thư viện; Trực tiếp đánh giá hoạt động tại thư viện;
Trực tuyến thông qua hệ thống phần mềm xử lý số liệu.Ngoài ra, việc thực hiện đánh giá hoạt động thư viện gồm các bước: Lập kế hoạch; Thu thập thông tin, số liệu; Phân tích kết quả; Hoàn tất đánh giá.
Đánh giá hằng năm với kỳ đánh giá được thư viện thực hiện tính từ ngày 01/12 của năm trước đến hết ngày 30/11 của năm báo cáo. Thư viện thuộc cơ sở giáo dục có thể được kết hợp thực hiện theo năm học.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020.
17. Giáo viên chỉ nhận xét vào vở của học sinh khi cần thiết
Ngày 04/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Theo đó, đối với đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục, giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá chủ yếu thông qua lời nói để chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa. Giáo viên chỉ viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời. Phụ huynh học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên giúp đỡ học sinh.
Ngoài ra, giáo viên đánh giá định kỳ dựa trên quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học. Học sinh sẽ được đánh giá theo 3 mức như sau: Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu cụ thể; Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập cụ thể.
Bên cạnh đó, học sinh đạt được một trong 03 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành sẽ được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học. Học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học sẽ được giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ, đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2020.
18. Trường hợp ngừng cấp điện không khẩn cấp phải báo trước 05 ngày
Ngày 09/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 22/2020/TT-BCT về việc quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Theo đó, bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong các trường hợp sau: Có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được; Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện; Hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện; Có sự kiện bất khả kháng.
Mặt khác, Bộ cũng quy định, trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày, bằng hình thức cụ thể như sau:
Trước hết, gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông báo bằng hình thức khác đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện cho khách hàng có sản lượng mua điện trung bình trên 100.000 kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết.
Tiếp theo, thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng còn lại. Trong đó, thời điểm thông báo đầu tiên phải đảm bảo trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/10/2020.

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 1
Tổng số lượt truy cập: 6
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png