Trang chủ > Chuyên mục > Thông tin tuyên truyền > Phổ biến giáo dục pháp luật > Tiếp cận thông tin > BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 03/2020 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 03/2020

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 03/2020 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 03/2020

Ngày đăng bài: 31/03/2020
1. Một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
 Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam, có hiệu lực 20/3/2020. Theo đó, một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:
- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
2. Sửa đổi quy định điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.
Ngày 05/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương, có hiệu lực 22/3/2020. Theo đó, điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ như sau:
- Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều 31a của Nghị định này, cụ thể:  Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
- Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh theo Mẫu số 14 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
3. hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Ngày 12/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực 31/3/2020. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.Việc xử lý kỷ luật phải căn cứ vào thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.Việc xem xét, tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật cũng được áp dụng trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do hoàn cảnh khách quan hoặc do lỗi của đối tượng vi phạm hành chính.
4. Thông báo kết luận kiểm tra việc thi hành pháp luật trong 15 ngày
Ngày 05/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 32/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, có hiệu lực 15/5/2020.
Theo đó, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phải có văn bản thông báo kết luận kiểm tra gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra trong vòng 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra. Kết luận kiểm tra phải có đầy đủ nội dung về nhận xét, đánh giá kết quả đạt được, tổn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó trong thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xử lý các hành vi sai phạm…Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể, cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật làm việc theo chế độ hợp đồng theo từng vụ việc, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cộng tác viên có trách nhiệm thu thập, tổng hợp thông tin, điều tra, khảo sát, tham gia ý kiến về xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật.
5. Cá nhân muốn giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm phải làm đơn
Ngày 05/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực 01/5/2020.
Với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có nơi đăng ký thường trú hoặc có nơi đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức hoặc có địa chỉ hoạt động rõ ràng và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.Trong trường hợp giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản thì họ phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Trong đơn ghi rõ thông tin về người và phương tiện vi phạm. Đồng thời gửi kèm theo bản có công chứng, chứng thực hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc CMND, Thẻ căn cước…Trong thời hạn không quá 02 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
6. Trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng bị phạt đến 75 triệu đồng
Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng  có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
Theo đó, người sử dụng lao động có trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ sẽ bị phạt từ từ 20-30 triệu đồng nếu vi phạm với 01-10 người lao động; 30-50 triệu đồng nếu vi phạm từ 11-50 người; 50-75 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 người trở lên. Ngoài ra, hành vi không công bố công khai bảng lương, thang lương, thay đổi hình thức trả lương mà không báo trước cho người lao động 10 ngày… của người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt từ 02-05 triệu đồng.Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 01-03 triệu đồng nếu tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng nhưng không báo trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo thời hạn, công việc bố trí không phù hợp với sức khỏe, giới tính của họ. Ngoài ra, việc chuyển người lao động làm công việc khác mà không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động cũng sẽ bị phạt tiền từ 03-07 triệu đồng.
7. Quy định mới về các loại văn bản hành chính  
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, có hiệu lực 05/3/2020, thay thế cho Nghị định 110/2004/NĐ-CP và Nghị định 09/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 110 về công tác văn thư.
Theo đó, các loại văn bản hành chính gồm: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ , bản thoả thuận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.
8.  Quy định về Chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch
Bộ Tư pháp vừa ban hành  Thông tư  01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có hiệu lực 20/4/2020. Theo đó,  Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
9. Tạm dừng miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở 08 nước
Ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, để giảm thiểu tối đa tình trạng lây lan và chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc và tiến hành cách ly sớm với trường hợp đến từ hoặc đi qua vùng dịch.
10. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp che giấu dịch bệnh
Ngày 09/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.Theo đó, để khẩn trương kiếm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, không để các dịch lây lan, bùng phát, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chưa có dịch: tăng cường công tác giám sát, dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh, nguy cơ cao; phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế, bức xúc cho người dân.
11. Ba điều kiện để khách hàng được lùi thời hạn trả nợ do dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 13/3/2020. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19.
Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ được thực hiện trong trường hợp: Số dư nợ đã quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực…Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19.
12. Chưa có vắc xin đặc hiệu phòng chống COVID-19
Ngày 18/3/2020, Bộ Y tế ra Quyết định 963/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19". Theo đó, hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Vì vậy, để phòng chống COVID-19, người dân cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: Không đến vùng có dịch, hạn chế tập trung đông người; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở; vệ sinh cá nhân thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi…Bên cạnh đó, nhằm phòng, chống dịch hiệu quả, Bộ Y tế cũng yêu cầu các trường học, xí nghiệp, công sở, cộng đồng dân cư triển khai biện pháp đóng cửa theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh/thành phố. Ngoài ra, các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao tại các cơ sở karaoke, phòng trà ca nhạc, cơ sở luyện tập gym, rạp chiếu phim, quán bar, sân khấu… cũng cần được hạn chế hoặc tạm dừng thực hiện.
13. Hủy toàn bộ các bài thi của thí sinh bị đình chỉ thi
Đây là quy định mới được bổ sung tại Thông tư 08/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 và Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/03/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo quy định mới được sửa đổi, bổ sung, trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm. Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả các bài thi trong kỳ thi năm đó.Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5/2020.

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 3
Tổng số lượt truy cập: 67
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png