Trang chủ > Chuyên mục > Thông tin tuyên truyền > Phổ biến giáo dục pháp luật > Tiếp cận thông tin > Tuyên truyền về việc mua bán người và lừa đảo, bóc lột sức lao động

Tuyên truyền về việc mua bán người và lừa đảo, bóc lột sức lao động

Ngày đăng bài: 15/01/2020
I. Thực trạng tình hình mua bán người và lừa đảo bóc lột sức lao động:
Trong thời gian qua, tình trạng tội phạm mua bán người và bóc lột sức lao động ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Phần lớn các vụ mua bán người, lừa đảo bóc lột sức lao động đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi…đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Chúng thường lên mạng Internet để làm quen, rồi dụ dỗ nạn nhân và đặc biệt là các bé gái và chị em ở nông thôn có nhu cầu việc làm, hoặc vờ yêu đương rồi bán cho kẻ xấu. Thời gian gần đây theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện cả những vụ mua bán người và lừa đảo bóc lột sức lao động mà các nạn nhân rất đa dạng gồm: đàn ông, học sinh, sinh viên, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...Đối với trên địa bàn huyện, số lượng lao động đi tìm việc làm tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tăng cao, nhưng hầu hết là lao động phổ thông, trình độ văn hóa và nhận thức còn hạn chế nên đã xảy ra một số vụ việc bị lừa đảo, bóc lột sức lao động cụ thể như: 03 trường hợp người đồng bào DTTS ở xã Ia Hla, 06 người đồng bào DTTS ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vào TP.Hồ Chí Minh tìm việc làm thì bị các đối tượng lừa đảo, môi giới tại Bến xe Miền Đông giới thiệu việc làm trên tàu cá với mức lương cao. Người lao động bị các chủ tàu cá ép buộc làm những công việc rất nặng nhọc, lương không như thoả thuận ban đầu, bị đối xử theo kiểu bóc lột sức lao động, mặc dù không muốn làm nhưng bị đe doạ đánh đập và buộc phải làm việc…
2. Nguyên nhân:
Qua các vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã xác định được các nguyên nhân cơ bản làm gia tăng loại tội phạm trên đó là: mua bán người và bóc lột sức lao động là siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; đời sống kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm; thông thoáng trong xuất nhập cảnh; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người và bóc lột sức lao động chưa đủ mạnh; nhận thức và hiểu biết về pháp luật của người dân đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế…
3. Phương thức thủ đoạn:
Để thực hiện hành vi phạm tội, bọn chúng thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn như sau:
- Hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao.
- Rủ đi làm ăn buôn bán gần khu vực biên giới.
- Giới thiệu lấy chồng nước ngoài giàu có.
- Làm quen qua mạng (chat), giả vờ yêu đương rồi rủ rê lên các tỉnh biên giới chơi, mua sắm đồ và lừa bán.
- Môi giới xin, nhận con nuôi.
- Bắt cóc trẻ em, phụ nữ một mình, lang thang, cơ nhỡ nơi bến tàu, bến xe…
- Hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới, lừa bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai.
- Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn giúp đỡ về tiền bạc rồi đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc và chúng.
- Làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng họ sơ hở để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán.
4. Hậu quả của việc mua bán người và lừa đảo bóc lột sức lao động:
Hậu quả của việc mua bán người và bóc lột sức lao động để lại là hết sức to lớn không chỉ cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình và xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Có rất nhiều hậu quả, nhưng có một số hậu quả mà chúng ta dễ nhận thấy đó là:
- Đối với nạn nhân:
+ Bị bóc lột sức lao động, làm những công việc nặng nhọc, quá sức, bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn gây thương tích, tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong.
+ Bị cưỡng bức, bóc lột tình dục…
+ Tinh thần suy sụp, lo âu, sợ hãi, mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, khó hoà nhập với cuộc sống và cộng đồng.
+ Dễ sa vào các tệ nạn xã hội: mại dâm, ma tuý… hoặc trở thành kẻ bôn bán người.
- Đối với gia đình:
+ Tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân.
+ Hạnh phúc bị tan vỡ, con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ.
+ Các thành viên trong gia đình sống trong lo âu, mặc cảm.
- Đối với xã hội:
+ Gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
+ Làm thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
+ Tăng gánh nặng kinh tế trong địa phương trong việc giải quyết hậu quả của nạn nhân buôn người và nạn nhân bị bóc lột sức lao động…
5. Các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh:
Để phòng ngừa, đấu tranh làm giảm thiểu đối với những loại tội phạm này thì cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành, của mỗi người dân, gia đình và của toàn xã hội, mà trước hết mỗi người dân tự mình thực hiện tốt những nội dung sau:
Một là, mọi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
Hai là, luôn cảnh giác, đề phòng với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar...
Ba là, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.
Bốn là, tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào.
Năm là, trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.
Sáu là, mỗi người dân cần phải luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại của người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.
Bảy là, khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất.
6. Quy định của pháp luật về xử lý hành vi mua bán người và cưởng ép bóc lột sức lao động:
Theo quy định tại Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người quy định các hành vi nghiêm cấm đó là: “ Mua bán người… Chuyển giao hoặc tiếp nhận người, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người, chứa chấp, môi giới  để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…”.
Theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội mua bán người như sau:
 “Điều 150. Tội mua bán người 
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
 b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
 c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:...
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;”

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 3
Tổng số lượt truy cập: 12
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png