H’ Ly- Người phụ nữ Bana đam mê nghề dệt thổ cẩm

Ngày đăng bài: 20/08/2018
Trong khi nhiều phụ nữ trong làng đã lãng quên nghề dệt truyền thống thì chị  H’ Ly (làng Plei Thông A, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) vẫn miệt mài dệt nên những tấm vải thổ cẩm đa dạng màu sắc, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thăm gia đình chị H’Ly trong một buổi chiều cuối tháng 3, ấn tượng của chúng tôi về chị đó là đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đưa những  đường chỉ lên lên, xuống xuống tạo ra những tấm vải có hoa văn, họa tiết độc đáo. Chị H’ly cho biết: Chị sinh ra tại làng Plei Thông A, thị trấn Nhơn Hòa, trong một gia đình dân tộc Bana có truyền thống về nghề dệt thổ cẩm từ thời của bà ngoại và mẹ chị những phụ nữ trong gia đình ai cũng biết dệt thổ cẩm. Đến thế hệ của chị có mình chị trong số 7 chị em gái trong gia đình là đam mê theo học nghề dệt thổ cẩm của mẹ. “Ngay từ khi còn bé, tôi đã thấy bà và mẹ tôi tự dệt vải để mặc, làm quà mừng với nhiều đồ thổ cẩm phong phú như: Khăn, áo, váy... Ngồi xem bà và mẹ dệt tôi rất thích những họa tiết trên tấm vải thổ cẩm và quyết tâm học nghề. Đến năm tôi 16 tuổi, tôi được bà và mẹ truyền dạy lại những kỹ thuật và kiến thức nghề dệt. – Chị H’Ly tâm sự.
image001-(2).jpg
Chị H’ Ly đam mê dệt thổ cẩm
Theo chị H’ Ly, để có được một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt, nhuộm... Mỗi công đoạn đều đòi hỏi tính sáng tạo và đôi tay khéo léo tạo hình các hoa văn lên sản phẩm sao cho hài hòa, cân đối. Đối với người Bana, màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Chính vì vậy, trong tấm thổ cẩm của người Bana màu đen sẽ là màu chủ đạo kết hợp với với màu đỏ và màu trắng thể hiện sức mạnh, tình yêu và ước mơ. 
 “Để làm ra một tấm vải thổ cẩm phải mất  nửa tháng, đến một tháng, đôi khi đến hai tháng tùy thuộc vào từng tấm vải thổ cẩm dệt để làm gì, như dệt để làm áo, váy, khăn sẽ mất ít thời gian hơn là dệt để làm chăn. Tấm thổ cẩm hoàn thiện đẹp đòi hỏi người dệt thổ phải chịu khó, có lòng đam mê với nghề mới có thể làm được”- Chị H’Ly cho biết.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm dường như đã trở thành một thói quen của chị H’Ly, ngày nào không đụng đến khung cửi là chị cảm thấy như thiếu một thứ gì đó. Những tấm thổ cẩm làm áo choàng, khố, túi xách, váy được chị dệt một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết. Sản phẩm chị H’ Ly làm ra ngoài việc để phục vụ trong gia đình, chị còn dệt bán cho những ai có nhu cầu mua để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Với mong muốn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bana được các thế hệ tiếp nối và phát huy, chị H’ Ly đã truyền dạy nghề dệt lại cho con gái mình, con gái chị giờ cũng đã biết dệt thổ cẩm. “Thấy mẹ dệt thổ cẩm em rất thích, em đã học và biết dệt thổ cẩm từ năm em 16 tuổi, đến giờ em đã tự dệt các trang phục cho mình, nhưng vẫn chưa dệt đẹp được bằng mẹ, trong thời gian tới em cố gắng học dệt để giữ gìn nghề truyền thống của phụ nữ Bana.” –H’ Băm con gái chị H’ Ly cho biết.
Trao đổi với chúng tôi chị Siu H’ Lý- Chi hội trưởng Hội phụ nữ  thôn Plei Thông A, thị trấn Nhơn Hòa cho biết: “Hiện nay, ở làng tôi còn rất ít phụ nữ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, gia đình chị H’ Ly là gia đình tiêu biểu trong thôn vẫn gắn bó với nghề dệt của dân tộc mình. Chị và mẹ chị thường đại diện cho thôn tham gia thi dệt thổ cẩm tại Hội thi văn hóa cồng chiêng do huyện tổ chức, sản phẩm của chị luôn đạt được giải cao.”
Thanh Thủy

Tng tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Laid
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 123- Email: ttnhonhoa.chupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hữu Dương - Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa.
- Giấy phép số 09/GP-TĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 18
Số người on-line: 1
Copyright © 2017
icontop.png