Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của ĐBTDTS

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của ĐBTDTS

Ngày đăng bài: 03/03/2021
Chư Pưh là huyện nằm phía Nam của tỉnh Gia Lai, có trên 52% dân số  là người ĐBDTTS. Đây là vùng đất  giàu về bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống với nhiều loại hình phong phú và đa dạng, luôn gắn liền với cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Chính vì vây, thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của người ĐBDTTS trên địa bàn huyện.

1.jpg
 
Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pưh, hiện nay trên địa bàn huyện có 67 nhà sinh hoạt cộng đồng, 8 Nhà văn hóa xã, 55 bộ cồng chiêng, trong đó 298 chiêng bằng, 517 chiêng núm…Để giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Ja rai, hàng năm huyện đều tổ chức Hội thi văn hóa thể thao giành cho đồng bào DTTS. Thông qua các hình thức thi đấu như biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca, thi đan lát, dệt thổ cẩm, đi cà kheo, bắn nỏ, tạc tượng nhà mồ...nhờ vậy bản sắc văn hóa của người J'rai trên địa bàn không ngừng được phát huy giá trị. Đặc biệt, các nghệ nhân ở các thôn, làng các xã, thị trấn luôn tích cực gìn giữ  bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Một số lễ hội truyền thống vẫn được lưu giữ như lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, mừng lúa mới...các bài ca, múa xoang, hát ru, trang phục dân tộc. Đặc biệt, người Jrai đã thể hiện tài hoa và năng khiếu thẩm mỹ của mình qua nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, qua kiến trúc nhà cửa và qua trang phục. Hầu như ở nhà mồ nào của người Jrai cũng có tượng ngồi ôm mặt khóc đặt quanh mả, tượng đàn ông hoặc tượng đàn bà đội mâm gỗ đựng thức ăn để dâng người chết, tượng đàn ông búi tóc đứng đánh trống, tượng phụ nữ giã gạo, tượng người đóng khố cưỡi voi...Điều đáng chú ý là các tượng đó được chế tác bằng những công cụ sản xuất như rìu, rựa, dao và từ những nguyên liệu thông dụng vốn có ở địa phương. Ngoài khu vực nhà mồ, ở cầu thang bước lên, xuống nhà sàn của người đồng bào đều có những hình điêu khắc có ý nghĩa tượng trưng, phản ánh một kiểu tư duy hồn nhiên của người xưa, phản ảnh ước mơ, nguyện vọng về sự phồn vinh, giàu có, ấm no. Nhắc đến văn hóa phi vật thể của người Ja Rai, không thể không nhắc tới nghề dệt thổ cẩm. Đó là những chiếc khố, áo nam, áo nữ truyền thống luôn biểu tượng cho nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Jrai. Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những trang phục như quần áo khố hoa đã chứng tỏ năng khiếu thẩm mỹ, tài thêu dệt, cách sử dụng màu sắc hoa văn độc đáo. Những đường thêu kết thành tấm vuông đỏ trước ngực áo nam giới trông khoẻ mạnh, thể hiện lòng dũng cảm. Nói về cảm nghỉ của mình trong việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị Kpă H’ Mi ở thôn Plei Djiếk, thị trấn Nhơn Hòa tâm sự: “Mình thấy nghề dệt thổ cẩm là vốn quý ngàn đời của đồng bào mình, vì vậy mình sẽ kiên trì truyền nghề cho các em, các cháu trong thôn, làng  mình để nghề dệt tiếp tục được gìn giữ và phát huy, đồng thời góp phần cải thiện đời sống cho chị em-những người gắn bó với nghề.”
Với người Ja Rai, cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng là tài sản vô giá. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là tiếng nói của con người, của thần linh theo quan niệm vạn vật hữu linh. Người ĐBDTTS Tây Nguyên tin rằng tiếng chiêng chính là ngôn ngữ con người dùng để giao tiếp với thần linh, với tổ tiên, với siêu nhiên và để xua đuổi tà ma. Tiếng chiêng đánh dấu những chặng đường đời, gắn bó với vòng đời của một con người, từ khi đứa trẻ mới sinh ra nó được cộng đồng thừa nhận bằng lễ "thổi tai" với âm thanh của một chiếc chiêng cổ nhất của làng. Đứa trẻ lớn lên đến tuổi trưởng thành, nam giới đánh chiêng và nữ giới múa theo trong các nghi lễ cộng đồng như lễ gieo hạt, lễ cầu an cho lúa, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho lúa. Tiếng cồng chiêng  mừng ngày cưới, mừng nhà mới vừa xua đi tà ma, vừa ngây ngất men rượu cần toả ra vẻ nồng say của hạnh phúc và yên vui. Đến khi con người nằm xuống và trở về với giàng, tiếng cồng chiêng buồn thảm đưa họ đến nhà mồ. Trong lễ bỏ mả vẫn tiếng cồng chiêng đưa dẫn linh hồn trở về với cộng đồng tổ tiên. Chính vì vậy, cồng chiêng luôn có mặt trong mọi nghi lễ quan trọng của con người và cộng đồng người ĐBDTTS. Trong năm 2020, huyện đã tổ chức 2 lớp truyền dạy cồng chiêng tại xã Ia Phang và Ia Ròng cho 64 học viên. Bên cạnh đó, huyện đã cấp kinh phí  mua 2 bộ cồng chiêng cấp cho xã Chư Don và thị trấn Nhơn Hòa, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Jrai. Đề cập tới công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người ĐBDTTS trên địa bàn huyện, ông Huỳnh Văn Lên - Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: Nhận thức tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, huyện đã có sự phối hợp triển khai thực hiện nhiều nội dung cụ thể để bảo tồn, phát huy như: Hàng năm, huyện tổ chức hội thao văn hóa các dân tộc thiểu số gồm các môn như: cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm và hát dân ca...Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức nhiều các lớp tập huấn về công tác giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa đặc sắc này.”
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, tinh thần của Người ĐBDTTS là trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành và của mỗi người dân “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển…Chính vì vậy, rất cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể và phi vật thể của người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
                                                                                                         Hà Chi

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 22
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png