Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Cựu chiến binh Nguyễn Viết Liêu làm kinh tế giỏi

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Liêu làm kinh tế giỏi

Ngày đăng bài: 17/08/2020
Hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Tây Nam, đa số những người lính sau khi xuất ngũ trở về gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Song với ý chí tự lực, tự cường và truyền thống tốt đẹp của người lính cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh đã cố gắng vươn lên bằng đôi tay và nghị lực của mình để ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Cựu chiến binh Nguyễn Viết Liêu là một điển hình như thế.

1.jpg
Ông Nguyễn Viết Liêu với mô hình chanh tứ quý

 
 CCB Nguyễn Viết Liêu, thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang là một trong những cá nhân tiêu biểu trong phong trào này. Sinh ra và lớn lên ở Hoàng Hóa, Thanh Hóa. Năm 1978, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Liêu đã xung phong lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở Campuchia. Năm 1989, ông xuất ngũ trở về với quê hương. Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Không cam chịu cảnh nghèo khó, năm 1991, ông quyết định cùng vợ và các con chọn vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng đất đỏ nhiều gian khổ, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã giúp ông không chùn bước mà càng nung nấu quyết tâm phải làm giàu bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Lúc ấy chưa có vốn, vợ chồng ông thuê đất rẫy để trồng cà phê và các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, sắn, đậu đỗ các loại. Khi đã có chút vốn, ông mạnh dạn đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng tiêu và các loại cây ăn quả. Năm 2016, sau khi đi tham quan và học hỏi một số mô hình hiệu quả trên địa bàn, ông nhận thấy cây chanh tứ quý mang lại hiệu quả kinh tế cao mà vốn đầu tư thấp, rủi ro ít hơn trồng tiêu lại dễ chăm sóc...Vì vậy, ông đã quyết định trồng cây chanh tứ quý. Khi vườn chanh bước vào giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi cây cho khoảng 50-70 kg quả/năm. Đến nay, gia đình ông đã có 500 cây Chanh Tứ quý, cho thu hoạch được 4 tấn quả/năm, với mức giá dao động trong khoảng 10.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mang về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Ông Liêu chia sẻ: “Khi mới vào Tây Nguyên, gia đình khó khăn lắm. Hai vợ chồng làm hết mọi thứ để nuôi con cái ăn học. Khi có chút vốn, gia đình đầu tư trồng cà phê, tiêu. Sau khi tiêu chết, chuyển sang trồng cây ăn trái. Hiện nay, vườn cây ăn trái của tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng. Tôi rất mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng để hội viên và người dân có thể làm theo, từ đó phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp”.

2.jpg
Cán bộ Hội CCB tham quan cây ăn trái của ông Liêu

 
Không chỉ bán chanh tứ quý, ông Liêu còn trồng ổi lê, mít Thái da xanh, cam, quýt theo hướng chuyên canh. Hiện nay, vườn ăn trái của ông có trên 600 cây ổi lê, 220 cây cam sành và 150 cây mít Thái da xanh. Đối với ổi lê ra trái tứ quý quanh năm, mỗi năm ông thu hoạch được 4 đến 5 tấn, với giá 12 ngàn/ký, thu nhập bình quân từ 500 đến 600 triệu đồng. Còn với cây mít Thái da xanh, sau khi tìm hiểu qua sách báo và phương tiện truyền thông cũng như đi học hỏi kinh nghiệm các gương sản xuất kinh tế giỏi, ông nhận thấy cây mít Thái da xanh là  giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, thích hợp trồng trên đất cát, ra trái liên tục nhiều đợt trong năm. Vì vậy, ông đã chuyển đổi 1 ha đất sang trồng 150 cây mít Thái Nhờ biết cách chọn giống cũng như nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc mít Thái nên các loại cây trồng này phát triển khá tốt, cho năng suất cao. Mỗi năm, mít cho thu 2 đợt chính, trung bình mỗi trái nặng 7-15 kg, sản lượng đạt khoảng 8 tấn/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình ông lãi trên 100 triệu đồng. Tổng thu nhập vườn cây ăn trái mỗi năm mang về cho gia đình mức lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.  Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, ông Liêu còn nhiệt tình tham gia hoạt động Hội CCB xã Ia Phang, ông còn thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên CCB và nhân dân trong thôn có hoàn cảnh khó khăn, như cho mượn vốn không tính lãi, chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả... giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Là cựu chiến binh, ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vận động người dân trong tiểu khu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
          Nói về ông Nguyễn Viết Liêu – ông Ngô An Bình – Chủ tịch Cựu chiến binh Ia Phang cho biết: ““Ông Liêu là một hội viên làm kinh tế giỏi không chỉ của Cựu chiến binh xã Ia Phang mà còn của cả huyện Chư Pưh. Từ cây tiêu chết, mà ông đã trồng các loại cây ăn quả đem lại thu nhập cao cho gia đình. Trong thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã sẽ nhân rộng mô hình này để các hội viên học tập.”
Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu, CCB Nguyễn Viết Liêu là một tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, năng động, sáng tạo, cần cù trong lao động, ông Liêu xứng đáng là điển hình CCB tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, được các cấp Hội CCB trong huyện biểu dương./.
                                                                                                                                           Hà Chi    

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 15
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png