Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Kết quả sau 2 năm thực hiện chương trình OCOP

Kết quả sau 2 năm thực hiện chương trình OCOP

Ngày đăng bài: 04/05/2021
Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Chư Pưh đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau 2 năm triển khai, chương trình có hiệu quả bước đầu, là cơ sở hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất, thiết thực giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.
   
1.jpg
Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được trưng bày tại hội nghị
 
Thực hiện chương trình OCOP, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai và tiến hành khảo sát các sản phẩm của huyện cho cả giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo. Huyện đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn. Trong 2 năm qua (2019-2020), huyện Chư Pưh đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho gần 550 lượt cán bộ, công chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP tại huyện và các xã; tổ chức 4 đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên cập nhật tin, bài giới thiệu sản phẩm OCOP đến đông đảo người tiêu dùng, thông qua các Website và các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình. Cùng với công tác tuyên truyền, huyện tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và bán hàng tại tỉnh và đưa sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu tại một số tỉnh, thành phố trong nước... Cùng với đó, huyện cũng đã xây dựng 1 điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương tại Trung tâm huyện nhằm giúp người dân có cơ hội sử dụng các loại thực phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá thành hợp lý. Đồng thời, đây cũng là nơi giúp nông dân, các nhà sản xuất, phân phối sản phẩm nông sản của địa phương trong Chương trình OCOP kết nối, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Phạm Văn Thùy- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: “Sau gần 2 năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay huyện đã có 12 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Có được kết quả trên, huyện đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP đến đông đảo nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm tham gia OCOP; kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh”.
Năm 2010, anh Trần Thế Vinh ở thị trấn Nhơn Hòa bắt đầu nghiên cứu và  quyết định chuyển đổi 5 ha  hồ tiêu bị chết sang trồng Đinh lăng. Sau 6 năm trồng và chăm sóc, thấy cây đinh lăng sinh trưởng, phát triển tốt, giá bán ổn định, năm 2017, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời đầu tư máy móc sản xuất rượu ngâm Đinh lăng và thành lập công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi. Anh Vinh cho biết: cây Đinh lăng trồng 3 đến 5 năm là có thể khai thác, Đinh lăng ngâm rượu có tác dụng tăng cường trí nhớ, tăng lực, chữa bệnh thiếu máu, bổ thận tráng dương, đau tức ngực, viêm gan… Quy trình sản xuất rượu Đinh lăng được thực hiện hoàn toàn khép kín từ việc đầu tư dây chuyền nấu rượu, sơ chế đến khâu ngâm. Rượu Đinh lăng được ngâm từ 3-6 tháng, sau đó đưa qua hệ thống máy lọc để khử độc tố rồi mới đóng chai. Qua 3 năm tiếp cận thị trường, sản phẩm rượu ngâm Đinh lăng của Công ty Ngọc Thạch Khôi đã có mặt ở nhiều thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Đây là một trong những sản phẩm được huyện Chư Pưh lựa chọn tham gia chương trình OCOP. Anh Trần Thế Vinh- Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Khôi, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: “Với khát khao nâng tầm sản phẩm để vươn ra thị trường nên khi được tham gia chương trình OCOP, Công ty không những hoàn thiện về mặt chất lượng thông qua các chứng nhận của ngành chức năng mà còn củng cố về mặt mẫu mã, bao bì sản phẩm. Sản phẩm rượu ngâm đinh lăng của Công ty đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 chấm đạt 3 sao. Do đó, Công ty đang rất nỗ lực để ngày càng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường”.

2.jpg
Thăm sản phẩm rượu Đinh lăng của Công ty TNHH Một thành viên Ngọc Thạch Khôi, thị trấn Nhơn Hòa.
 
Công ty TNHH Nhất Nông, xã Ia Phang- một trong những cơ sở thu mua và tiêu thụ nghệ lớn tại huyện Chư Pưh,  từ khi thành lập đến nay đã thu mua hơn 200 tấn nghệ tươi và liên kết với người dân xã Ia Phang trồng hơn 20 ha nghệ nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Công ty  đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại như: Máy xay vắt; máy sấy để chiết xuất ra các sản phẩm từ cây nghệ như: viên tinh nghệ đỏ AGILA và tinh bột nghệ đỏ AGILA, mật ong và sữa ong chúa AGILA…Anh Võ Thành Tuân- Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh  cho  biết: “Để có sản phẩm và tạo uy tín trên thị trường, một sản phẩm nghệ ra đời phải trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên, nguyên liệu phải được chọn loại nghệ tốt, nghệ nếp, đưa về sơ chế, đặc biệt là phải rửa thật sạch để bụi bẩn, đất cát không còn bám trên nghệ, sau đó, cho vào xay và thực hiện việc lắng lọc. Khi đã có sản phẩm thô là tinh bột nghệ, bước tiếp theo chia nguyên liệu và sử dụng máy móc để cho ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Đây được xem là bước quan trọng trong việc điều chế các sản phẩm nghệ. Việc áp dụng máy móc hiện đại như máy sản xuất, máy sấy lạnh ở nhiệt độ âm... sẽ giúp các sản phẩm không bị biến tính, đảm bảo chất lượng...”.
HTX Hạc giấy Từ thiện, thôn Tao Kó, xã Ia Ròng đầu tư, phát triển sản phẩm đậu đen xanh lòng rang sẵn và chuối ép. Hiện nay, bình quân mỗi năm sản phẩm cung cấp ra thị trường  từ 1.450 kg đậu xanh và 310 kg chuối ép, thu nhập khoảng gần 140 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Với chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận, HTX Hạc giấy Từ thiện đã được huyện chọn đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong năm 2020 và được UBND tỉnh xét chọn, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm an toàn và có bao bì, nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc.
Trên cơ sở Đề án chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 mà UBND tỉnh đã phê duyệt, huyện Chư Pưh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình tại các xã, thị trấn với những sản phẩm được người tiêu dùng biết đến từ nhiều năm nay. Trong 2 năm thực hiện chương trình, huyện đã hỗ trợ trực tiếp phát triển sản phẩm OCOP trên 2.982 tỷ đồng, Trong đó: ngân sách Trung ương 2.832 tỷ đồng, ngân sách huyện 150 triệu đồng... Từ đó, huyện đã tổ chức các hội thảo, mời chuyên gia về tập huấn, hướng dẫn các xã đăng ký sản phẩm OCOP đánh giá hiện trạng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tư vấn xây dựng nhà xưởng đáp ứng nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, củng cố hồ sơ đăng ký tham gia chương trình OCOP… Kết quả, Sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, với sự tích cực trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, đến nay trên địa bàn huyện đã có 12 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh (trong đó năm 2019 có 4 sản phẩm là Sầu riêng của Hợp tác xã Đại Ngàn xã Ia Blứ; Sản phẩm Viên Tinh Nghệ Đỏ, mật ong, sữa ong chúa AGILA và sản phẩm Tinh Bột Nghệ Đỏ AGILA của Công Ty TNHH Nhất Nông Gia Lai;  Sản phẩm Rượu Đinh Lăng Công ty TNHH Một Thành Viên Ngọc Thạch Khôi) và năm 2020 có thêm 8 sản phẩm là Viên tinh nghệ đỏ, mật ong, sữa ong chúa AGILA; Tinh bột nghệ đỏ AGILA; Sầu riêng; Rượu Đinh Lăng; Trà túi lọc Măng tây, Na, Đậu đen xanh lòng rang sẵn, Chuối ép, Gạo Kê lau, Nấm Linh chi, Bột Mủ trôm và Rượu Vodka Tây Nguyên), tổng doanh thu của 12 sản phẩm khi được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh là 14.950 triệu đồng.
Theo đăng ký của các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn, năm 2021 huyện Chư Pưh có 4 HTX và 2 doanh nghiệp tại 4 xã, thị trấn đăng ký các sản phẩm tham gia chương trình Ocop gồm: măng tây xanh, tinh bột nghệ Trung Hương, cà phê FAOS, tinh dầu sả chanh, dầu gấc AGILA, gạo J02, cam Đại Ngàn, Bưởi Đại Ngàn, rượu Đinh Lăng mật ong rừng…Ông Phạm Văn Thùy-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết thêm: “Trong năm 2021, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP với tổng kinh phí là trên 2,3 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, nâng cấp, phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; tập huấn ý tưởng kinh doanh, tư vấn hỗ trợ phát triển sản phẩm cho các đơn vị, chủ thể tham gia Chương trình OCOP…”
Có thể khẳng định, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, huyện Chư Pưh tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tem truy suất, nhãn mác sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phối hợp với đơn vị tư vấn OCOP tổ chức khảo sát về tình hình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại địa phương./.
                                                                                 Hồng Tuyết

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 17
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png