Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Những ảnh hưởng đến đời sống của người dân sau khi hồ tiêu bị chết, giá cả xuống thấp từ năm 2016 đế

Những ảnh hưởng đến đời sống của người dân sau khi hồ tiêu bị chết, giá cả xuống thấp từ năm 2016 đến nay

Ngày đăng bài: 12/08/2019
Chư Pưh là huyện thuần nông của tỉnh, với trên 95% người dân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, cây trồng chủ lực trước đây chủ yếu là sản xuất hồ tiêu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do bị ảnh hưởng chung của biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện nói riêng có nhiều biến đổi cực đoan, gây bất lợi lớn trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể: Trong năm 2016 tình hình khô hạn trên địa bàn huyện diễn ra gay gắt, kéo dài đã làm 1.043,63 ha cây trồng các loại bị thiệt hại: cây lúa: 447,65 ha; hồ tiêu: 268,61 ha; cà phê: 162,45 ha, tổng giá trị thiệt hại trên 152 tỷ đồng. Năm 2017, do ảnh hưởng của nắng hạn năm 2016, nhiều diện tích cây công nghiệp dài ngày (hồ tiêu, cao su, cà phê) tiếp tục bị suy kiệt, sinh trưởng, phát triển kém nên các loại nấm bệnh tấn công dẫn đến nhiều diện tích bị chết, năng suất, sản lượng giảm mạnh từ 20-30%.
 

1.jpg
Vườn cây Hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Khôi, xã Ia Le bị dịch bệnh chết hàng loạt
 
Tiếp đến năm 2018, mưa lớn kéo dài liên tục 04 tháng liền đã làm cho nhiều diện tích hồ tiêu bị úng nước, nhiễm nấm bệnh và bị chết là 1.676,9 ha/2.800 ha, gây thiệt hại chi phí đầu tư sản xuất trên 906,323 tỷ đồng và cũng đồng nghĩa với việc người dân mất đi nguồn thu nhập trên 7.550 tấn sản lượng hồ tiêu, tương đương 340 tỷ đồng/năm (1.676,9 ha x 4,5 tấn/ha x 45.000 đồng/kg); hiện nay diện tích hồ tiêu còn lại là 1.474 ha, trong đó: 355,3 ha, giai đoạn KTCB, 1.118,7 ha kinh doanh (trong đó có cả 142 ha của Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Thịnh), do bị ảnh hưởng của thiên tai, nấm bệnh tấn công nên năng suất trung bình của diện tích hồ tiêu còn lại giảm đáng kể còn 3,15 tấn/ha, sản lượng còn lại 3.523 tấn. Như giá hiện nay và tình hình hồ tiêu bị chết thì đất đai, tài sản gắn liền trên đất giảm trên 50% giá trị. Trước đây, để có kinh phí đầu tư, chăm sóc hồ tiêu, người dân phải vay vốn các ngân hàng; theo kết quả rà soát của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ của người dân sản xuất hồ tiêu trên địa bàn huyện đến nay là 1.479 tỷ đồng của 5.820 khách hàng; tình hình nợ xấu năm 2018 là 78,566 tỷ đồng nhưng đến nay đã lên đến trên 260 tỷ đồng. Với con số dư nợ 1.479 tỷ đồng, hàng tháng người nông dân trên địa bàn huyện phải trả khoản lãi suất tương ứng là 14,79 tỷ đồng, như vậy mỗi năm trung bình là khoảng 175 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ nợ 254 triệu đồng, với mức lãi suất trung bình khoảng 12%/năm, thì mỗi hộ phải đóng lãi suất khoảng 30 triệu đồng/hộ/năm). Với áp lực trả lãi suất ngân hàng nên người dân trên địa bàn huyện phải bỏ quê vào các tỉnh phía nam làm thuê, làm mướn, đã kéo theo hệ lụy rất lớn đó là người già không được chăm sóc, con em không ai chăm lo, quản lý dẫn đến bỏ học và tình hình trộm cắp ngày càng nhiều gây mất an ninh, trật tự nông thôn.

 
2.jpg
Nhiều nhà đóng cửa, treo biển bán đất vì bể nợ vì cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh
 
Do không có tiền trả lãi ngân hàng, chi tiêu trong gia đình nên rất nhiều hộ dân bán đất với giá trị bằng một nửa thời điểm mua nhưng vẫn không có hoặc rất ít người mua, vì thế người dân buộc phải bán dần trụ tiêu trong vườn để mưu sinh hàng ngày và trả lãi suất hàng tháng mặc dù giá trị rất rẻ so với thời điểm mua đầu tư. Với thực trạng như hiện nay, nhiều lao động trên địa bàn huyện bỏ đi làm ăn xa, dẫn đến lực lượng lao động chính của địa phương thiếu hụt trầm trọng. Sản xuất nông nghiệp giảm sút, đất đai bỏ hoang không có người canh tác, đồng thời các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ cũng bị giảm theo. Hệ lụy kèm theo nữa là các vụ khiếu kiện, khiếu nại gia tăng về tranh chấp đất đai, an ninh nông thôn tại địa bàn các xã như trộm, cắp, tín dụng đen…diễn biến phức tạp.

3.jpg
Dân nhổ trụ tiêu bán để đóng lãi ngân hàng
 
Nhiều hộ dân sản xuất hồ tiêu trên địa bàn huyện rơi vào hoàn cảnh bế tắc, không còn vốn để tiếp tục đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, việc các ngân hàng tiếp tục cho vay nhưng rất hạn chế do không còn tài sản thế chấp, giá trị tài sản xuống thấp do hồ tiêu bị chết (giá trị giảm trên 50%), nên bất khả kháng một số hộ dân đã vay vốn bên ngoài, với lãi suất cao, một phần chi phí dùng để trả lãi suất ngân hàng, tái đầu tư ở mức cầm chừng, và chi tiêu cho gia đình dẫn đến dư nợ các ngân hàng ngày càng tăng. Mặt khác, về tình hình sản xuất nông lâm nghiệp 6 tháng đầu năm trên địa bàn tiếp tục bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh: trong tháng 3/2019, có nhiều diện tích keo rừng trồng bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân; xuất hiện sâu keo mùa thu, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi… Đến nay, diện tích ngô bị sâu keo mùa thu mùa thu gây hại trên địa bàn toàn huyện đến ngày 24/7/2019 là 2.044,3ha/3.835,1 ha, thiệt hại trên 10 tỷ đồng; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tính đến ngày 01/7/2019, đã làm chết, tiêu hủy 931 con/26.139 con, với 24.962 kg lợn, thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây giá cả các mặt hàng nông sản luôn không ổn định, xuống thấp, chi phí đầu tư ngày càng tăng cao, đặc biệt là cây hồ tiêu, cao su, bí xanh, bí đỏ, ngô (là những loại cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn huyện); cùng với áp lực phải trả lãi suất hàng tháng nên người nông dân rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó là: không có tiền để tái sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sản xuất; một số hộ tiếp tục vay vốn tái sản xuất theo hướng lấy ngắn nuôi dài (trồng cây ngắn ngày, trồng chanh, chăn nuôi heo) thì bị thiên tai, dịch bệnh, giá cả thấp, bấp bênh dẫn đến đầu tư thua lỗ… trước những khó khăn chồng chất, nhiều lao động trên địa bàn huyện đã phải đi làm ăn xa, tiết kiệm chi tiêu, không có khả năng chăm lo cho con cái, chi phí học hành, dành tiền trả lãi suất ngân hàng, đến nay trên địa bàn huyện có trên 4.896 người đi lao động ngoài tỉnh, tỷ lệ người lao động đi làm ăn xa sẽ tiếp tục tăng.

 

4.jpg
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Pưh kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên ngô
 
5.jpg
Chốt kiểm dịch động vật được lập tại xã Chư Don, nơi bùng phát
ổ dịch  tả lợn Châu Phi đầu tiên của huyện Chư Pưh
 
Một thực tế hiện nay là người dân có đất (trên 95% đang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các ngân hàng) nhưng để đất trống không dám sản xuất, trồng cây dài ngày trên đất vì tâm lý luôn lo sợ khi trồng lại, vừa không có tiền đầu tư; một số hộ trồng được lại sợ không được thu hoạch do sắp đến thời hạn trả ngân hàng nên các ngân hàng sẽ thực hiện việc kê biên, thu tài sản. Để giải quyết nhu cầu sinh hoạt cho gia đình hàng ngày, nhiều lao động đi làm thuê cũng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt cho gia đình ở mức thấp, dẫn đến người dân không có khả năng trả tiền vay gốc, tiền lãi suất hàng tháng nên các ngân hàng kê biên tài sản, xử lý tài sản thế chấp. Một số người dân muốn quay về địa phương tái sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp nhưng tài sản của họ đã bi kê biên bán đấu giá. Với những thiệt hại trong nền sản xuất nông nghiệp như trên, thu nhập bình quân đầu người hiện nay cũng giảm. Với áp lực trả lãi suất ngân hàng, người dân đã nhiều lần làm đơn kêu cứu, kiến nghị gửi các cấp các ngành của Trung ương, của tỉnh để đề nghị được khoanh nợ, qua đó phản ánh được phần nào đời sống hiện tại của người dân trên địa bàn và áp lực cho huyện trong vấn đề giải quyết, tháo gỡ khó khăn về khoản nợ vay vốn của người dân.
                                                            Nguyễn Huệ

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 16
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png