Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Phát huy vai trò của già làng trong xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.

Phát huy vai trò của già làng trong xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.

Ngày đăng bài: 16/07/2019
Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở huyện Chư Pưh luôn được giữ vững và ổn định; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Có được kết quả này, phải kể đến sự đóng góp công sức của các già làng và người có uy tín ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS, họ luôn gương mẫu đi đầu hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước
gia.jpg
Già làng Siu Khloanh, thôn Tao Chor, xã Ia Hrú
 
Huyện Chư Pưh có tổng số 74 thôn, làng, trong đó có 53 thôn, làng người đồng bào các dân tộc thiểu số, với 7.863 hộ và 38.749 khẩu, chiếm hơn 51,75% dân số toàn huyện. Trong đó: Dân tộc Jrai có 35.135 khẩu, chiếm 46,92%; Ba Na 1.034 khẩu, chiếm 1,38%; Tày 645 khẩu, chiếm 0,86%; Dao 428 khẩu, chiếm 0,57%; Nùng 489 khẩu, chiếm 0,65%; Mường 291 khẩu, chiếm 0,38%; H’ Mông 139 khẩu, chiếm 0,18%; Ê đê 137 khẩu, chiếm 0,18%, dân tộc thiểu số khác 75 khẩu, chiếm 0,20%. Những năm trước đây đời sống kinh tế của bà con gặp rất nhiều khó khăn, trình độ sản xuất còn thấp kém, một số nơi vẫn còn nhiều hủ tục  lạc hậu, tình trạng bệnh tật và trẻ em thất học vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các già làng và người có uy tín trong cộng đồng dân cư, họ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhờ đó làm cho đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Đến nay, có 8/8 xã có đường ô tô đến trung tâm xã và các thôn, làng; 4/9 xã, thị trấn đã có chợ; 100% xã có Trạm y tế; 99% hộ được dùng điện thường xuyên; 95% hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đặc biệt, là sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt 100%; 98% các thôn, làng đã xây dựng được nhà sinh hoạt cộng đồng; các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang, lễ hội dần được xóa bỏ, thay vào đó là thực hiện nếp sống mới; Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp; toàn huyện đã có 11.900 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa và 56/74 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn văn hóa; Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em luôn được các cấp quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh được chú trọng đầu tư... Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của 53 già làng và người có uy tín trên địa bàn huyện. Họ đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội như MTTQ, Hội CCB, Nông dân, Phụ nữ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, từng bước thay thế các giống cây, con có năng suất, chất lượng thấp bằng những loại cây, con có giá trị kinh tế cao; thay đổi tập quán canh tác, tích cực thâm canh, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Đến nay, nhiều hộ do biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Điển hình như già làng Rơ Mah Beo, thôn Ia Toong (nay là thôn Kênh Hmek), xã Ia Le. Năm nay đã bước sang tuổi 72, nhưng già trông rất khỏe mạnh và minh mẫn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi, già tâm sự. Được người dân tín nhiệm bầu giữ chức già làng từ năm 2015, khi đó đời sống của bà con trong thôn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại. Với vai trò là một già làng, người có uy tín trong cộng đồng xã hội, già luôn đi đầu trong lao động sản xuất đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình già đã có 3 ha lúa, 1 ha mì, 2 ha cao su và 1.000 trụ tiêu kinh doanh, 300 cây dứa, 300 cây bơ Booth, thêm vào đó, ông  nuôi 14 con bò. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm  gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng. Từ nguồn thu đó, ông đã xây được ngôi nhà khang trang trị giá trên 700 triệu đồng và mua sắm nhiều vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các con khôn lớn và đều có nghề nghiệp ổn định. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, già làng Rơ Mah Beo còn thường xuyên tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con trong thôn tận dụng các diện tích gần suối để trồng lúa nước, khai hoang đất để trồng bắp và một số cây trồng khác. Đồng thời, vận động bà con phát triển chăn nuôi bò, heo, gà, vịt nhằm tăng thu nhập. Với phương châm “cầm tay, chỉ việc” già đã đến từng hộ dân tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động bà con trong thôn xóa bỏ các phong tục tập quán trong cưới hỏi, ma chay. Già làng Rơ Mah Beo - thôn Ia Toong (nay là thôn Kênh Hmek), xã Ia Le, huyện Chư Pưh: “Từ trước tới nay, gia đình tôi luôn chấp hành, nghe theo Đảng, Nhà nước. Từ khi giải phóng đến nay, bà con trong thôn tin tưởng tôi làm việc. Khi đi tuyên truyền cần bám sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Nắm bắt và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải hiểu thật sâu sắc tâm lý để làm công tác vận động. Làm sao cho người dân có tâm lý ổn định, chăm lo phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo”.
Chia tay già làng Rơ Mah Beo, chúng tôi tìm đến nhà già làng Siu Khloanh, thôn Tao Chor, xã Ia Hrú. Năm nay, già cũng đã ngoài 71 tuổi, nhưng trông già rất rắn rỏi và khỏe mạnh. Là một thôn có số lượng thanh niên tương đối đông, nhưng hàng ngày số thanh niên này không chịu đi làm ăn mà thường tổ chức uống rượu dẫn tới tình trạng đánh nhau gây mất đoàn kết trong thôn. Một số thanh niên khi tham gia giao thông không chấp hành Luật lệ giao thông đường bộ thường chạy xe quá tốc độ, chở người không đúng quy định… Trước thực trạng đó, già làng đã cùng với Ban nhân dân thôn tổ chức tuyên truyền, vận động gia đình có con em phải giáo dục để thanh niên hiểu và tuân thủ pháp luật. Không dừng lại ở đó, tranh thủ thời gian nhàn rỗi vào buổi tối, già còn đến từng nhà vận động bà con trong thôn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao đời sống. Tuyên truyền cho bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, nhất là các cặp vợ chồng trẻ nhằm đảm bảo cuộc sống. Đặc biệt, trong vấn để tranh chấp đất đai, già làng đã hòa giải thành công các vụ việc, không để tranh chấp kéo dài ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Già làng Siu Kh Loanh - thôn Tao Chor, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh: “Mình được bà con tôn trọng, tin tưởng thì mình phải luôn tìm hiểu, lắng nghe bà con. Bà con có khó khăn gì thì tìm cách giúp đỡ. Già làng cũng phải luôn học hỏi, nắm bắt thông tin, nhất là phải hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước mới nói đúng, làm đúng được. Có như vậy bà con mới nghe, mới tin và làm theo”.
Nói về vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Chư Pưh, ông Ksor Y Ngông - Trưởng phòng Dân tộc huyện Chư Pưh:Vai trò của già làng có vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn an ninh chính trị, định canh định cư, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chống lại đói nghèo và lạc hậu, xóa bỏ những hủ tục mê tín dị đoan... Các già làng trong cộng đồng các dân tộc còn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; thực hiện cải cách hành chính; phối hợp chặt chẽ với Công an viên, các đoàn thể tại cơ sở giải quyết kịp thời những vướng mắc, các vụ tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia nhiều hơn nữa trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cải thiện đời sống dân sinh, phát triển sản xuất. Các già làng trong cộng đồng ở Chư Pưh thực sự là những tấm gương sáng chăm lo lợi ích cộng đồng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết ở từng địa bàn dân cư”.
Có thể khẳng định, những năm qua, già làng và những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc ở huyện Chư Pưh đã thật sự phát huy vai trò và tầm ảnh hưởng của mình, là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng với dân, điểm tựa tinh thần cho đồng bào các dân tộc vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa và quốc phòng, an ninh trật tự ở địa phương./.
                                                                    Hồng Tuyết

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 23
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png