Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Thầy Ninh Văn Dậu với những kinh nghiệm vì học sinh thân yêu

Thầy Ninh Văn Dậu với những kinh nghiệm vì học sinh thân yêu

Ngày đăng bài: 13/09/2017
Đầu năm học mới 2017 - 2018, tôi có dịp ghé thăm người bạn cũ hiện đang là giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng - một ngôi trường vùng khó đứng chân địa bàn xã Ia H’Dreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Đó là thầy Ninh Văn Dậu - người thầy dường như đã dành cả tuổi thanh xuân cho mảnh đất này. Với tính cách nồng hậu, ấm áp, thầy Dậu đã chia sẻ về công việc chuyên môn cũng như cuộc sống thường nhật, trong đó, tôi đặc biệt chú ý tới công tác duy trì sĩ số tại một ngôi trường đóng chân trên địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, về những kinh nghiệm mà bản thân thầy Dậu đã đúc rút trong ngần ấy năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi đây.
Công tác duy trì sĩ số học sinh, huy động học sinh tới trường là việc làm thường xuyên, liên tục mà bản thân thầy cũng như đồng nghiệp là những người có tâm huyết và hết lòng yêu thương học sinh mới có thể làm tốt. Theo thầy chia sẻ, công tác tại một ngôi trường với 98,9% học sinh là con em dân tộc thiểu số Jrai, thì việc giảng dạy cũng như duy trì sĩ số không thể làm theo phong trào mà cần xác định đó là sứ mệnh của bản thân, phải lấy yêu thương để nhân rộng yêu thương, phải từ tấm lòng đến với tấm lòng thì mới có thể có kết quả tốt. Trải lòng về thời gian công tác gần 10 năm tại đây, thầy đã chia sẻ với tôi một số kinh nghiệm trong công tác duy trì sĩ số học sinh, tôi xin được chia sẻ lại để quý thầy cô có thêm động lực bước vào năm học mới với tâm thế tất cả vì học sinh thân yêu.
 1. Học tiếng bản địa (tiếng Jarai) để làm tốt công tác vận động học sinh dân tộc thiếu số bỏ học trở lại lớp: xác định đối tượng giảng dạy trực tiếp của mình là học sinh dân tộc thiểu số Jrai chiếm tới 98,9% thì việc giao tiếp bằng tiếng bản địa hết sức quan trọng. Vấn đề đặt ra ở đây là: nếu GVCN cũng không thể giao tiếp với phụ huynh và học sinh bằng tiếng bản địa thì kết quả giáo dục không đạt được hiệu quả như mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại. Vì vậy, thầy Dậu đã cố gắng mỗi ngày trau dồi học tiếng Jarai để mình có thể đủ giao tiếp với phụ huynh và học sinh trong mỗi lần “dân vận”.  
2. Tìm hiểu kĩ phong tục, tập quán, môi trường sống của học sinh góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động học sinh: việc tìm hiểu kĩ phong tục, tập quán, môi trường sống của các em cũng trở nên cấp thiết. Bởi, người dân tộc thiểu số có rất nhiều phong tục, lễ hội hay, có giá trị, đáng lưu giữ. Tuy nhiên, có những phong tục trở thành hủ tục không còn phù hợp cần bài trừ càng sớm càng tốt. Những hủ tục ấy cũng là nguyên nhân dẫn đến các em bỏ học khó có thể quay trở lại theo học.  
3. Nắm bắt tốt đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh: do đặc điểm môi trường sống nên các em thường đi học trễ hơn so với độ tuổi từ 01 đến 02 tuổi. Do vậy, tâm sinh lí lứa tuổi của các em cũng khác so với học sinh được theo học đúng tuổi. Các em thường có tâm lí thiếu tự tin lại, mặc cảm, lòng tự ái luôn cao hơn lòng tự trọng. Vì vậy, đối với những học sinh bỏ học, thầy Dậu không vì vị trí thi đua hay thành tích của lớp mà báo giảm sĩ số ngay. Thầy vẫn yêu cầu ban cán sự lớp báo vắng không phép. Việc làm này nhằm tạo “cơ hội” cho những học sinh đã bỏ học muốn quay lại học không rơi vào tâm lí mặc cảm, tránh cho các em rơi vào suy nghĩ Thầy đã “đẩy” mình ra khỏi lớp.  
4. Sử dụng Ban cán sự lớp, Ban chấp hành Chi đoàn một cách hiệu quả: trong mỗi lần đi vận động học sinh trở lại học thì thầy Dậu luôn mời ban cán sự lớp cùng tham gia với mình. Thầy nhận thấy các em đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình một cách đáng ghi nhận, tiếng nói của các em đã tác động sâu sắc tới nhận thức của bạn mình.  
5. Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh: thầy xác định, họ chính là những người đã trải qua rất nhiều những gian nan, vất vả của cuộc đời, những thiệt thòi khi không được học hành tới nơi tới chốn. Và, nhất là họ rất thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu con em mình. Vì thế, họ dễ dàng đồng cảm, sẻ chia và khi tác động sẽ tìm được sự đồng thuận cao từ phía học sinh. Do vậy, kết quả vận động thêm phần khả quan rất lớn.
6. Kịp thời giúp đỡ học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn: Những trường hợp này, thầy chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin chủ trương, chính sách để hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, thầy kêu gọi sự hỗ trợ từ một số phụ huynh có khả năng để trang bị thêm cho các em về vật chất lẫn tinh thần để các em yên tâm khi quay lại học, không phải mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình. Từ đó, các thành viên trong lớp gần gũi và quan tâm nhau hơn. 

kk-(1).jpg

Học sinh của thầy Dậu giúp bạn nhổ mì
7. Vận động cựu học sinh đã trở thành đồng nghiệp hoặc cán bộ tại địa phương cùng vào “dân vận”: các em chính là gương “người thật việc thật” trong quá trình “dân vận” để những học sinh đang bỏ học noi gương mà cố gắng vượt khó vươn lên sớm trở lại lớp.  
  8. Phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn, Tổ chuyên môn, Đoàn thể, Ban giám hiệu: trong quá trình vận động, các thầy cô sẽ nói thêm về lợi ích của việc học tập bộ môn để tạo thêm hứng thú học tập. Từ đó, dễ dàng giúp các em nhận thấy ý nghĩa của việc học mà sớm quay trở lại lớp. Việc làm này không chỉ với mục đích chia sẻ, thấu hiểu với giáo viên, nhất là GVCN, mà quan trọng hơn, đại diện Ban giám hiệu thường là những người có khả năng giao tiếp tốt và nhất là có “uy” trước phụ huynh, trước nhân dân và học sinh.  
          9. Thực hiện tốt, hiệu quả phong trào “Đôi bạn cùng tiến” do Đoàn trường phát động: Ngoài việc phải tìm hiểu kĩ lực học của từng em ngay từ đầu năm học, thầy Dậu lưu ý nhiều đến những em thuộc diện trung bình, yếu để phân công một em giỏi hoặc khá kèm những học sinh này và sắp xếp cho hai em ngồi cùng một bàn. Thầy hướng dẫn cho em có học lực khá cách kèm bạn học, hướng dẫn bạn làm bài tập hoặc củng cố kiến thức mà bạn chưa hiểu… để ngăn chặn nguy cơ bỏ học của học sinh.
          10. Phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là trưởng thôn, già làng: khi đã dùng tất cả các biện pháp trên mà không giải quyết được vấn đề thì thầy đã liên hệ với già làng, người có uy tín trong địa phương để nhờ những người này giúp đỡ, trao đổi với học sinh đó, gia đình em đó để họ hiểu hơn về việc mình đang làm, đồng thời để có được sự đồng thuận, giúp đỡ của địa phương.
           Với những kinh nghiệm trên, mong rằng không chỉ có các thầy cô mà còn có sự chia sẻ của toàn xã hội để cánh cửa tri thức luôn được mở ra đối với các em học sinh nói chung và học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng.
 
                                      Trần Thị Hiền – Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 1
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png