Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2019

Đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2019

Ngày đăng bài: 21/07/2020
Những năm qua, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, huyện Chư Pưh luôn quan tâm, chú trọng triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình và những tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả.

3.jpg
Triển khai sản xuất giống lúa J02 tại xã Ia Phang
 
Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện đã triển khai trên 33 chương trình, dự án, với kinh phí 12 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 1 tỷ 966 triệu đồng, ngân sách tỉnh 1 tỷ 216 triệu đồng, ngân sách huyện 5 tỷ 32 triệu đồng; nhân dân đóng góp 4 tỷ 109 triệu đồng; doanh nghiệp hỗ trợ trên 353 triệu đồng. Theo đó: Phòng nông nghiệp & PTNT: thực hiện 15 chương trình, dự án, mô hình; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện: thực hiện 11 chương trình, dự án, mô hình; Phòng Kinh tế Hạ tầng: thực hiện 03 chương trình, dự án; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện 04 dự án. Qua kết quả triển khai 33 chương trình, dự án, án mô hình từ năm 2016-2019. Hiện tại, có thể đánh giá được 10/33 chương trình, dự án, mô hình đạt hiệu quả như: Vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX Dịch vụ sản xuất-kinh doanh nông lâm nghiệp Long Hưng đã liên kết với 34 hộ dân ở 3 thôn Plei Thơ Nhueng, Plei Tao và Chư Pố 2 (xã Ia Phang) triển khai sản xuất giống lúa J02 trên diện tích 33 ha tại cánh đồng Ia Sái. Sau 3 tháng gieo cấy và chăm sóc, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất vụ Đông Xuân bình quân đạt 5,5-6 tấn/ha. Qua triển khai giống lúa mới ở địa phương cho thấy giống lúa J02 thích hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, năng suất cao hơn so với giống lúa cũ. Ông Võ Ngọc Giàu-HTX Dịch vụ-Nông lâm nghiệp Long Hưng, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết: “Giống lúa J02 một giống lúa mà HTX Dịch vụ-Nông lâm nghiệp Long Hưng thực hiện trong vụ Đông Xuân 2019-2020 đạt kết quả rất khả quan. Cùng với năng suất cao, chất lượng đồng đều, ưu điểm lớn nhất của việc triển khai là gắn với tiêu thụ sản phẩm là kết nối nông dân với Hợp tác xã. Vụ mùa sắp tới, HTX tiếp tục vận động người dân liên kết sản xuất giống lúa J02” .
Trong vài năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài cùng với những bất cập trong quy trình sản xuất chưa được nông dân khắc phục; mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu còn thiếu sự gắn kết đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và thu nhập của người trồng tiêu. Trước tình hình trên, huyện đã xây dựng các mô hình phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững. Năm 2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước với quy mô 3ha/6 hộ dân tham gia tại các xã Ia Dreng 1 mô hình, Ia Le 1 mô hình và Ia Phang 2 mô hình, Nhơn Hòa 2 mô hình với tổng kinh phí 812 triệu 238 nghìn đồng, trong đó ngân sách nhà nước 350 triệu đồng, nhân dân đóng góp 462 triệu 238 nghìn đồng. Để mô hình đạt được hiệu quả, cùng với việc cấp chế phẩm sinh học, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các hộ tham gia mô hình lắp hệ thông tưới nước tiết kiệm, kĩ thuật bón phân, sử dụng chế phẩm sao cho hợp lý. Kết quả, qua theo dõi các vườn hồ tiêu tham gia mô hình sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sâu bệnh hại không đáng kể. Ông Lưu Văn Thủy, thôn Tung Neng, xã Ia Dreng, có 1.000 trụ tiêu trồng năm 2015 đang bước vào thời kì kinh doanh. Trước đây, ông cũng trồng tiêu và có cách nghĩ như nhiều nông dân khác là bón nhiều phân thì cây tốt, bị bệnh phun nhiều thuốc thì trị bệnh càng nhanh. Tuy nhiêu, với cách làm đó, tiêu của gia đình ông không xanh tốt mà còn bị bệnh vàng lá, cây phát triển rất kém. Năm 2017, được xã giới thiệu tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước do Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện triển khai. Được hỗ trợ kỹ thuật và chế phẩm sinh học bón cho hồ tiêu, cũng như lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, béc phun tại gốc. Với mô hình này, giúp cho gia đình ông tiết kiệm được thời gian tưới mà cây tiêu vẫn phát triển xanh tốt.

4.jpg
Cấp giống cà phê tái canh cho các hộ dân
 
Cùng với hồ tiêu, cà phê cũng là cây trồng chủ lực thứ 2 của huyện. Trong 3 năm (2017-2019) đã triển khai trồng 233,15 ha/348 hộ thực hiện tái canh cây cà phê, với tổng kinh phí ngân sách huyện hỗ trợ 845 triệu đồng; trong đó, Công ty Nestlé Việt Nam hỗ trợ hơn 325 triệu 507 nghìn đồng. Thực hiện Chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn huyện Chư Pưh là hướng đi đúng nhăm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; duy trì sản lượng cà phê của huyện ổn định; hình thành các vùng sản xuất cà phê bền vững; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng phát triển bền vững. Chị Lê Thị Thu Thủy-Thôn Plei Thơ Nhueng, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết: “Cà phê tái canh tôi trồng năm ngoái hiện nay đang phát triển tốt, năm nay tôi tiếp tục tái canh cà phê. Hiện tại gia đình tôi đã nhân giống cà phê. Công tác chuẩn bị đào hố tôi cũng đã chuẩn bị xong, khoảng 10 ngày nữa tôi sẽ xuống giống cà phê. Cùng với tái canh cây cà phê tôi còn trồng xen canh tiêu với cà phê nhằm nâng cao thu nhập trên 1 diện tích.”
Cùng với việc chú trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu và cà phê bà con nhân dân trên địa bàn huyện Chư Pưh cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả mang thu nhập cao. Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo hướng VietGAP”. Dự án được Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) hỗ trợ ứng dụng công nghệ. Kinh phí thực hiện khoảng 10 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 3,6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân; thời gian thực hiện 48 tháng. Hai loại cây trồng được dự án hỗ trợ là bưởi đỏ Hòa Bình và giống cam chín sớm CS1 trên diện tích 30 ha tại 2 xã Ia Le, Chư Don. Trong đó, xã Ia Le trồng 20 ha bưởi đỏ Hòa Bình, xã Chư Don trồng 10 ha cam chín sớm CS1. Đây là 2 loại cây trồng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống chính thức, có năng suất cao hơn so với các giống đối chứng 15-30%, chất lượng quả tốt. Theo đánh giá của đoàn khảo sát Viện Nghiên cứu rau quả và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Chư Pưh rất phù hợp với cây cam CS1 và cây bưởi đỏ Hòa Bình, giúp cây có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản phẩm chất lượng. Ông Phạm Ngọc-thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết: “Chúng tôi xác định việc tham gia dự án là cơ hội để chuyển đổi cây trồng, đồng thời an tâm sản xuất khi sản phẩm đầu ra được dự án cam kết sẽ kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ với giá cả ổn định”.
Cũng trong năm 2019, Phòng NN&PTNT huyện đã triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây Mít thái tại thôn Tao Kó, xã Ia Ròng cho 9 hộ với diện tích 3 ha. Gia đình chị Vũ Thị Huế, thôn Teng Nong, xã Ia Ròng đã chuyển 5 sào đất trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng 225 cây mít Thái. Đến nay, số cây mít của gia đình đã sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, năm 2019, huyện triển khai dự án Liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm Nhãn Hương Chi theo chuỗi giá trị cho 215 hộ, với diện tích 48,66 ha tại 07 xã: Ia Rong, Ia Hla, Ia Dreng, Ia Phang, Ia Le, Ia Hrú và tập huấn chuyển giao kỹ thuật, do HTX Nông lâm nghiệp Dịch vụ Trường Xuân huyện Eakar, Đăk Lăk triển khai thực hiện. Kinh phí thực hiện 1.874,50 triệu đồng. Dự án giúp người dân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích các vườn hồ tiêu bị chết, xác định liên kết được đầu ra ổn định cho sản phẩm cho người dân. Dự án là cây dài ngày hiện chưa tính được hiệu quả về kinh tế, nhưng cây nhãn cấp cho các hộ dân trồng sinh trưởng và phát triển tốt, có hộ trồng chăm sóc tôt cây nhãn phát triển chiều cao cây đạt từ 0,6 – 0,8 m. Chị  Bùi Thị Lý-Thôn Lũh Rưng, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh cho biết: “Tôi thấy mô hình trồng nhãn này có thể bền vững, và có đầu ra ổn định nên gia đình tôi cũng tích cực hưởng ứng tham gia”.
Trước thực trạng diện tích hồ tiêu bị chết hàng loạt, năm 2019, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện đã hỗ trợ 1 tổ hợp tác trồng măng tây tại thị trấn Nhơn Hòa. Chị Nguyễn Xuân Tiên, thôn Thông A, thị trấn Nhơn Hòa là hộ tham gia mô hình măng tây trồng trên diện tích 4.500 cây. Mô hình này được thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ 5 triệu đồng. Để mô hình măng tây mang lại hiệu quả kinh tế, anh đã tìm hiểu học hỏi kĩ thuật trồng trên mạng internet và ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Sau 7 tháng trồng và chăm sóc, diện tích măng tây của gia đình chị bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Chị Nguyễn Xuân Tiên, thôn Thông A, thị trấn Nhơn Hòa nói: “Vùng đất này hồi xưa bà con trồng tiêu, hiện nay dịch bệnh trên cây tiêu diễn biến phức tạp, vốn đầu tư lớn, nên vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng măng tây. Loại măng này dễ trồng, dễ chăm sóc, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích”.
Cùng với phát triển các loại cây trồng, với lợi thế về điều kiện tự nhiên nên ngành chăn nuôi gia súc gia cầm cũng phát triển mạnh trong các hộ gia đình cả về số lượng và chất lượng. Trong thời gian qua, phòng Nông nghiệp  đã triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dê Bách Thảo cho 8 hộ dân xã Ia Phang. Qua triển khai mô hình, nhằm nâng cao năng suất lao động, ổn định thu nhập cho bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số lúc nông nhàn để góp phần vào việc đạt tiêu chí Làng Nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các chính sách hỗ trợ từ khâu hỗ trợ giống chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hình thành chuỗi giá trị sản xuất. Hiện số dê các hộ dân nhận hỗ trợ đang thích nghi và phát triển tốt, qua kiểm tra số lượng dê cấp cho các hộ đã sinh sản, mỗi một con mẹ đã sinh từ 01 đên 02 con con, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Anh Siu H Roát, thôn Plei Thơ Nhueng, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ cho 2 con dê sinh sản, đến nay đàn dê của gia đình phát triển lên được 5 con dê.. Nhìn chung, dê rất dễ nuôi, ít bị bệnh, chủ yếu ăn lá cây có sẵn trong vườn mà lại sinh trưởng, phát triển rất nhanh. Gia đình muốn cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều”.
Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ 240.000 hom giống dâu S7-CB cho 23 hộ tham gia mô hình, tích 06 ha, trên địa bàn 06 xã, thị trấn: xã Ia Le, Ia Blứ, Chư Don, Ia Phan, Ia Hla và thị trấn Nhơn Hòa; với tổng kinh phí: 361.210.000 đồng, trong đó: ngân sách nhà nước: 241.900.000 đồng, nhân dân đóng góp: 119.310.000 đồng. Đến nay, cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, chiều cao cây dâu đạt từ 1,3-1,4m, ít sâu bệnh; tỷ lệ sử dụng lá dâu để nuôi tằm đạt trên 80% diện tích triển khai. Trung bình 0,2 ha trồng dâu, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Đây là mô hình cần nhân ra diện rộng. Ông Trần Bá Chiến-Thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh: “Trước đây, gia đình tôi trồng mấy ngàn trụ hồ tiêu nhưng giờ chết hết, thành ra trắng tay. Thấy người ta trồng dâu nuôi tằm vừa đầu tư ít, lại quay vòng vốn nhanh nên tôi đã mạnh dạn trồng thử hơn 5 sào dâu và nuôi hơn 30m2 tằm. Trồng dâu, nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kĩ thuật, hiện nay đầu ra cũng rất ổn định. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm và sẵn sàng hướng dẫn kĩ thuật cho các hộ dân có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã.”
 Hiệu quả thực tế đem lại từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đã chứng minh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi đúng đắn. Tin rằng, với những kết quả đạt được, thời gian tới, cùng với triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và các giải pháp, bước đi phù hợp của huyện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pưh sẽ có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao đời sống nông dân và đưa nông nghiệp trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực trên địa bàn./.
                                                                                   Hồng Tuyết    

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 11
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png