Trong những năm tới, do biến đổi khí hậu, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn thấp, nên tình hình kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân trên địa bàn sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế; Toàn huyện tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng huyện Chư Pưh phát triển ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
Khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của huyện để đẩy nhanh phát triển kinh tế, gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái.
Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới phương thức, tác phong lãnh đạo; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; nâng cao đời sống về mọi mặt của Nhân dân.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2020-2025
1. Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020-2025
Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững để làm nhân tố thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Gắn kết phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ và chế biến sản phẩm sau thu hoạch; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để mở rộng ngành nghề ở nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quan tâm chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tạo chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa, đạo đức và lối sống; nâng cao thể chất và tinh thần cho Nhân dân.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
2.1. Về kinh tế
Tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm tăng 10,85%. Trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,63%; công nghiệp - xây dựng 14,87%; dịch vụ - thương mại 12,11%. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2025 là 8.995,59 tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó: Nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 3.358,64 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng chiếm 3.324,76 tỷ đồng, dịch vụ - thương mại 2.312,19 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 (theo giá hiện hành): Nông - lâm nghiệp - thủy sản 37,34%; công nghiệp - xây dựng 36,96%; dịch vụ - thương mại 25,7%.
Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt 96,26 triệu đồng/ha.
Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 58,10 triệu đồng.
Thu ngân sách trên địa bàn huyện bình quân hàng năm 53,377 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 2.367 tỷ đồng.
2.2. Về xã hội
Đến năm 2025 huyện Chư Pưh được công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 8/8 xã; số làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới là 15/53 làng.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm 1,35%. Số lao động được giải quyết việc làm hàng năm 1.150 người, trong đó xuất khẩu lao động 130 người.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí hiện hành) còn 1,5%.
Xây dựng trường chuẩn Quốc gia các cấp học là 6 trường([1]); huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường (Mẫu giáo: 100%; Tiểu học 100%; Trung học cơ sở: 97%).
Xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 16,85%; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng đủ liều 97,0%; 03 Bác sỹ và 7,8 giường bệnh/01vạn dân.
Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế so với tổng số dân đạt 96,6%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 8,1%.
Số thôn, làng đạt chuẩn văn hóa 97%; công sở đạt chuẩn văn hóa 90%.
2.3. Về môi trường
Diện tích trồng rừng mới hàng năm 224 ha; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 là 27,33%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 99,4%; tỷ lệ hộ dân thành thị được sử dụng nước sạch 92,8%; tỷ lệ xử lý chất thải (rắn, nước, chất thải y tế) là 100%.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tập trung phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện theo hướng bền vững; giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh, điều kiện từng vùng, từng địa phương gắn với xây dựng, phát triển Nông hội, Hợp tác xã, vận động thành lập, xây dựng và phát triển một số hợp tác xã kiểu mới; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản; nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại; kêu gọi, thu hút nhà đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng giá trị hàng hóa; xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng nông sản, cây ăn trái để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường; phát triển các ngành nghề, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho lao động và có định hướng từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động dịch vụ.
Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đạt trên các tiêu chí về diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả giá trị trên một đơn vị diện tích; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh gây hại trên các loại cây trồng; tập trung công tác vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, hợp tác xã kiểu mới, xây dựng và phát triển các mô hình “Nông hội”; nâng cao năng lực hoạt động của các Hợp tác xã, vận động thành lập, xây dựng và phát triển một số hợp tác xã mới; đồng thời, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và chế biến lâm sản rừng trồng.
Xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, ưu tiên phát triển hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Bố trí nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới để đến năm 2025 huyện Chư Pưh trở thành huyện nông thôn mới.
2. Thực hiện tốt việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn
Chủ động, tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp huyện, các dự án năng lượng tái tạo như điện gió…để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện; tạo môi trường thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn; phát triển mạng lưới điện quốc gia, hệ thống điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đảm bảo tiến độ, khối lượng, chất lượng trong hoạt động đầu tư, xây dựng.
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn; chú trọng đầu tư có trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch với những mặt hàng chủ yếu từ cây ăn trái, hồ tiêu, cà phê, chanh dây,... để phần lớn nông sản hàng hóa sau thu hoạch của nông dân được qua sơ chế, chế biến có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, phù hợp với việc phát triển đồng bộ của các thành phần kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
3. Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ
Mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân; đẩy mạnh khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn; đặc biệt quan tâm, phát triển các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các dịch vụ thiết yếu quan trọng như: tài chính, ngân hàng, công nghệ - thông tin, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, y tế, tư vấn.
Kêu gọi, huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn như: Chợ Trung tâm huyện, siêu thị đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
4. Tăng cường khai thác các nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách; tạo điều kiện để các ngân hàng đầu tư phát triển
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để khai thác, nuôi dưỡng nguồn thu, xử lý tốt các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thuế. Thực hiện thu đạt và vượt dự toán thu ngân sách tỉnh giao. Chi ngân sách tuân thủ đúng định mức, quy định pháp luật. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội để có phương án xử lý, điều chỉnh kế hoạch thu, chi phù hợp với thực tế.
Các ngân hàng trên địa bàn tích cực huy động các nguồn vốn và cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng.
5. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường, bao gồm cả quy hoạch, quản lý, sử dụng
Thực hiện tốt các chính sách về quản lý đất đai, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, hiệu quả, theo đúng quy định và phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục quan tâm giải quyết tốt vấn đề đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; rà soát, đề xuất thu hồi, quản lý hiệu quả diện tích đất của các doanh nghiệp sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; quy hoạch các điểm thu gom, xử lý rác thải theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo
Tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, đặc biệt là các trường nội trú, bán trú để đáp ứng nhu cầu ăn, ở, học tập của học sinh. Ưu tiên công tác đảm bảo các điều kiện thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do cấp trên phát động, đặc biệt là các phong trào “xây dựng trường học, các điểm trường xanh - sạch đẹp - an toàn”; huy động và duy trì sỹ số học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục hạnh kiểm, đạo đức và học lực của học sinh, chất lượng giáo dục mũi nhọn, đổi mới phương pháp dạy học. Quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy ở từng cấp học; tiếp tục sắp xếp lại hệ thống trường lớp, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn huyện. Tập trung thực hiện có hiệu quả mô hình trường học bán trú theo đặc thù của huyện; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên để đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra; tiếp tục xây dựng trường chuẩn Quốc gia và nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn Quốc gia; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục; nâng cao chất lượng các trung tâm học tập ở cộng đồng. Nâng cao chất lượng năng lực của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện theo hướng một trung tâm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề; đa dạng hoá các mô hình đào tạo bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu người học.
2. Đầu tư phát triển y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân
Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đi học chuyên khoa nâng cao trình độ, tạo uy tín trong hoạt động; từng bước hiện đại hóa kỹ thuật y học chuyên sâu trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực hiện có hiệu quả công tác y tế dự phòng, nâng cao năng lực giám sát, chủ động phát hiện và phòng, chống kịp thời các loại dịch bệnh, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm; chú trọng công tác kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý tốt các cơ sở y dược tư nhân hành nghề trên địa bàn; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em và các chương trình quốc gia về y tế; đảm bảo tốt các chính sách y tế. Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết góp vốn của các tổ chức, cá nhân để đầu tư trang thiết bị y tế, các dịch vụ kỹ thuật cao.
3. Tạo bước chuyển biến mới về chất lượng trên các lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao
Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về trị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; quan tâm xây dựng thôn, làng văn hóa, công sở văn hóa, gia đình văn hóa.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, tạc tượng...; khuyến khích xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao; đổi mới, nâng cao chất lượng tin bài, khai thác thông tin, nhằm tuyên truyền, biểu dương những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ động viên các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành và trong quần chúng Nhân dân. Thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa của nhà văn hóa xã và nhà văn hóa thôn, làng; kiện toàn tổ chức bộ máy Thư viện huyện nhằm phục vụ văn hóa đọc của người dân trên địa bàn.
4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt các chính sách xã hội, chính sách đối với người đồng bào dân tộc thiểu số
Cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Triển khai đồng bộ, kịp thời các chế độ của Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công. Thực hiện tốt, hiệu quả việc lồng ghép, bố trí vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia và vốn các chương trình, dự án khác trên địa bàn để tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền về lao động, việc làm trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác định canh, định cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất và các chính sách khác cho Nhân dân ổn định cuộc sống.
([1]) Kế hoạch 06 trường chuẩn: Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Ama Trang Lơng, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kệt, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Trường Mẫu giáo 1/6, Trường Mẫu giáo Sơn Ca. 02 Trường nâng chuẩn Mức độ 2: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, xã Ia Le, dự kiến năm 2022; Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Nhơn Hòa, dự kiến năm 2024.