Trang chủ > Chuyên mục > Cải cách hành chính > Một số kết quả về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân doa

Một số kết quả về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân doanh nghiệp từ 2021 đến nay

Ngày đăng bài: 28/10/2022
Ngày 06/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
 
Nghị quyết nêu rõ: Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, có nhiều sáng kiến với những mô hình mới, cách làm hay và đạt được một số kết quả nổi bật như: Cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phê duyệt phương án cải cách hơn 1.100 quy định và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính; xác định 59 thủ tục hành chính/nhóm thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước cần rà soát, đơn giản hóa trong năm 2023. Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả; cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 56 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính duy nhất; nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp hệ thống từng bước đáp ứng yêu cầu số hóa; hơn 3.800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia trên các bảng xếp hạng quốc tế được duy trì và cải thiện.
Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống thông tin được đẩy mạnh triển khai và phát huy hiệu quả, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hóa, cập nhật thường xuyên từ cấp xã, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp hơn 68 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân; nhiều bộ, ngành, địa phương đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và hơn 14.2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia (trung bình 550.000 văn bản/tháng); gần 1.300 phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ thực hiện trên Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp, cung cấp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, từng bước đưa Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào hoạt động; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, đánh giá được quan tâm triển khai, đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh và Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Những kết quả nêu trên đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành vẫn còn nhiều hạn chế. Một số lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên thời gian, nguồn lực và chưa có lộ trình, mục tiêu rõ ràng; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu...; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định còn hình thức, chưa chú trọng tham vấn chính sách các đối tượng chịu tác động, người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nơi, công tác chỉ đạo, điều hành vẫn theo phương thức truyền thống, chưa đổi mới sáng tạo; việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu; nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; an ninh, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, lộ lọt thông tin nhiều; thông tin, truyền thông cho công tác này chưa được coi trọng, đầu tư thích đáng để góp phần thay đổi hành vi, ý thức của người dân, doanh nghiệp.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là thiếu quyết liệt, ngại va chạm trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; sự níu kéo lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thiếu phân cấp, phân quyền và thói quen làm việc thủ công, giấy tờ truyền thống; một số bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa nghiêm, năng lực, trình độ còn hạn chế; thiếu kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; các phần mềm chậm được nâng cấp, phát triển, một số dịch vụ công chưa thân thiện với người dùng; thiếu các công cụ kỹ thuật số để phục vụ chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là những vấn đề mới, khó, nhiều lực cản, đòi hỏi phải có thời gian thích ứng cũng như thay đổi thói quen, cách làm cho phù hợp.
Để cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt quan điểm sau đây:
1. Cần có tư duy, cách tiếp cận mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính; kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá vượt lên. Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì sẽ “tụt hậu”.
 2. Phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Xây dựng nhiều mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn, tạo dấu ấn nổi bật trong thời gian tới với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả”.
3. Cải cách thủ tục hành chính phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, không bị động, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho chính quyền các cấp trong quá trình ra quyết định, nhất là phản ứng chính sách nhanh, kịp thời.
4. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
5. Thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu; càng “áp lực” thì càng phải “nỗ lực”, chuyển từ trạng thái “bị động” sang “chủ động”; tạo sự thân thiện, cải thiện quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
6. Đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông cao phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
7. Nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, những người yếu thế khó tiếp cận với công nghệ thông tin./.

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 1
Tổng số lượt truy cập: 3
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png