Trang chủ > Chuyên mục > Thông tin tuyên truyền > An toàn vệ sinh thực phẩm > ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ

Ngày đăng bài: 17/06/2021
Phần 1: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH VIÊM DA
NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ
 
1. Đặc điểm bệnh Viêm da nổi cục 
- Bệnh Viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh Da sần, là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây bệnh trên trâu, bò. Vi rút VDNC không lây nhiễm và  không gây bệnh trên người.
 Đường truyền lây: Chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve, mòng...; bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với trâu bò mắc bệnh, sử dụng chung máng ăn, máng uống, dụng cụ mang mầm bệnh; lây truyền qua nhau thai, bê con sinh ra bị tổn thương trên da; bê con đang theo mẹ có thể có thể bị nhiễm bệnh qua sữa hoặc tổn thương da ở núm vú; lây truyền qua kim tiêm bị ô nhiễm trong quá trình điều trị hoặc trong quá trình tiêm phòng; lây truyền qua đường giao phối tự nhiên hoặc qua thụ tinh nhân tạo. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.
Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất.
Sơ đồ minh họa đường truyền lây của virus gây bệnh Viêm da nổi cục
1.png
2. Triệu chứng, bệnh tích:
Trâu, bò mắc bệnh có những dấu hiệu như sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi); một số trường hợp sưng các khớp chân.
Hình thành các nốt sần có đường kính từ 1-5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là sơ hoá và tồn tại trong vài tháng để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.
Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng, đường tiêu hóa, khí quản, phổi.
Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò mang thai có thể sảy thai.
Một số hình ảnh về dấu hiệu bệnh Viêm da nổi cục
2.png
 
 
3.jpg
4.jpg
3. Chẩn đoán bệnh:
- Chẩn đoán sơ bộ tại thực địa dựa trên những biểu hiện như sốt và các nốt sần đặc trưng trên da trâu, bò mắc bệnh.
- Chẩn đoán bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm các mẫu da tổn thương, vảy, máu được chống đông bằng EDTA hoặc gạc nước bọt. Vảy và da dễ thu mẫu và có thể được gửi đi mà không cần bảo quản trong môi trường vận chuyển mà có thể để trong ống lấy mẫu sạch hoặc các loại dụng cụ khác.
4 Một số biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò
4.1 Phòng bệnh
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là loại bênh do vi rút gây ra, do đó tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Đối tượng tiêm là trâu, bò khỏe mạnh; sử dụng vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ và vắc xin  Mevac LSD của Ai Cập.

 
5.jpg

6.jpg
Không mua trâu, bò bệnh bề mặt da có nổi cục và trâu, bò từ vùng dịch VDNC về nuôi.
Tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò bằng cách bổ sung thức ăn tinh, thức ăn xanh, muối, khoáng, vitamin…; định kỳ tẩy giun, sán, ký sinh trùng đường máu, tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm.
Tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng vệ sinh cơ giới hàng ngày, phung hóa chất khử trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi; tiêu diệt các loại mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh (các loại hóa chất như Benkocid, Viabencovet, Iodine, Hanlusep,..; các loại hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,… như Hantox 200, Formaldes, Deltamethrin,…). Đối với các hộ có trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh phun tiêu độc hàng ngày, liên tục trong vòng 03 tuần.
4.2. Điều trị một số triệu chứng kế phát đối với bệnh viêm da nổi cục
Nguyên tắc chung: Để tăng hiệu quả điều trị cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức khỏe cho trâu, bò; sử dụng kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu trứng và các nguyên nhân nhiễm trùng kế phát.
Khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh: sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực để tăng sức đề kháng cho trâu, bò như Glucose, Lactate (tốt nhất truyền qua đường tĩnh mạch), Vitamin A,D,E; B-ComPlex; Vitamin C,...để tiêm hoặc hòa vào nước uống hàng ngày.
Khi con vật có biểu hiện sốt cao (phát hiện qua cặp nhiệt độ, gương mũi khô, phân táo,…) sử dụng các loại thuốc hạ sốt như Anagin, Paracetamol,…
Tiêu đờm, hỗ trợ gia súc dễ thở hơn, tăng cường hoạt động của cơ tim bằng các thuốc như Bromhenxin, Cafein,…
Có hiện tượng viêm, sưng: sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm có thành phần hoạt chất chính như Ketojet, Dexamethasole, Flunixin,…
Sử dụng các loại kháng sinh chống bội nhiếm kể phát nhiễm trùng (ưu tiên sử dụng kháng sinh phổ rộng, thời gian tác dụng kéo dài) như: Amoxyline LA, Kanamycine, Maccavet, Zuprevo 18%, Oxytetraxycline,…(lưu ý con vật đang trong giai đoạn sốt cao trên 41oC hạn chế sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh khi các nốt sần vỡ loét).
Trường hợp phát hiện trâu, bò có triệu chứng, biểu hiện mắc ký sinh trùng đường máu, sử dụng các loại thuốc như Ivermectin, Azidin, Tryphazen, ..(lưu ý không tiêm cho gia súc mang thai; trước khi dùng thuốc 10-15 phút nên tiêu cafein hoặc long não để trợ tim, trợ sức).
Đối với các vết loét: rửa sạch các vết loét ở da, miệng, bầu vú, chân, bụng bằng các dung dịch như nước muối sinh lý, thuốc tím, cồn Iodine…sau đó có thể sử dụng các loại kháng sinh mỡ như Rivanol, Oxytetraxicline, Pen-strep,.. bôi vào vết loét.
Căn cứ vào các triệu chứng quan sát được như ho, khó thở, tiêu chảy, chướng hơi, ký sinh trùng đường máu để sử dụng các loại thuốc an thần, cầm tiêu chảy, điều trị ký sinh trùng đường máu.
4.3. Chăm sóc, hộ lý
Cách ly tuyệt đối trâu, bò bị bênh tại chuồng, giữ chuồng, nền chuồng khô ráo, thoáng mát, lót rơm rạ khô cho châu bò nằm.
Tăng cường hộ lý, chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung đầy đủ các loại thức ăn nhất là các loại thức ăn xanh non, mềm, dễ tiêu (tránh cỏ non cắt sớm nhiều sương), đồng thời sử dụng các loại men tiêu hóa; không nên bổ sung quá nhiều thức ăn tinh bột ảnh hưởng đến nhu động dạ cỏ.
Đối với bê nghé con thường rất yếu, tổn thương nhiều ở hệ hô hấp do vậy chăm sóc nuôi dưỡng cần chú ý đảm bảo đủ ấm; giữ chuồng khô sạch; cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (nếu bê nghé không tự ăn được phải bơm thức ăn như sữa, cháo gạo loãng qua đường miệng); có thể phải lật con vật thường xuyên và đặt ở tư thế dễ thở.
Đối với trâu, bò khi mắc bệnh nặng, không đứng vững hoặc nằm liệt nên sử dụng dụng cụ cố định trâu, bò đứng lên để tránh liệt dạ cỏ; thường xuyên lật con vật và đặt ở tư thế dễ thở (sử dụng Pilocarpin hỗ trợ nhu động dạ cỏ).
 
Phần 2: BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ, XỬ LÝ Ổ DỊCH
 
1. Chủ gia súc thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bao gồm
- Cách ly ngay động vật mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh.
- Ký cam kết và thực hiện không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, vứt xác gia súc mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường.
- Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
- Cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã.
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
2. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Thực hiện công tác phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo Kế hoạch số 121/UBND-NL ngày 14/5/2021 của UBND huyện Chư Pưh về việc phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn huyện Chư Pưh.
- Triển khai cho các hội, đoàn thể, mặt trận tuyên truyền đến người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có hoạt động chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn biết về tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn nhận biết về bệnh VDNC trên đàn trâu, bò và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như không tham gia giết mổ, mua bán bò bệnh, nghi bệnh, tiêu diệt côn trùng như ruồi, muỗi…
- Tuyên truyền, vận động, khuyến cáo nhân dân chủ động mua vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò để phòng bệnh. Loại vắc xin đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo sử dụng là vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ và Mevac LSD của Ai Cập.
- Thông báo đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi tự bố trí kinh phí mua vắc xin VDNC tiêm phòng cho đàn trâu, bò để chủ động bảo vệ đàn gia súc. Mua thuốc diệt côn trùng chích hút truyền bệnh và thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên không để mầm bệnh lây lan và cơ sở chăn nuôi.
- Cử cán bộ phụ trách công tác thú y cấp xã phối hợp với các thôn, làng theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm (nhất lầ đàn trâu, bò nghi mắc bệnh VDNC) trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện bệnh, nghi bệnh, báo cáo tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp xử lý theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.
- Quản lý chặt chẽ việc giết mổ động vật nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y; vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhất là các sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trâu, bò từ các vùng có dịch trong cả nước, trâu, bò không rõ nguồn gốc.
- Báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa bàn trước 14 giờ hàng ngày về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để tổng hợp, báo cáo UBND huyện.
Ngọc ICT

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 3
Tổng số lượt truy cập: 30
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png