Trang chủ > Chuyên mục > Thông tin tuyên truyền > Phổ biến giáo dục pháp luật > Tiếp cận thông tin > BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 7/2021 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 7/2021)

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 7/2021 (Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 7/2021)

Ngày đăng bài: 05/07/2021
1. 6 nhóm đối tượng được cấp miễn phí thuốc kháng HIV
Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV cho các đối tượng sau đây:
+ Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;
+ Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế;
+ Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn;
+ Phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;
+ Trẻ em dưới 06 tuổi nhiễm HIV;
+ Người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác”.
2. Thẩm quyền ký thỏa thuận quốc tế
Luật Thỏa thuận quốc tế 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ như sau:
+ Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ.
3. Quy định mới về tách hộ để đăng ký thường trú
Luật cư trú 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó  Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;
+ Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này (Địa điểm không được đăng ký thường trú mới).
4. Quy định về lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã
Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định  trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này: 
(a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;
b) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền), bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.
5. Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho đối tượng bảo trợ xã hội
Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở như sau:
+Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.
+ Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.
+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.
6. Quy định mới về thẩm quyền xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường
Ngày 24/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực 10/7/2021, theo đó:  Người không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này thì không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương ứng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm đó.
7. Từ 01/7/2021, thêm nhiều ưu đãi đối với người có công với cách mạng
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về Ưu đãi người có công với cách mạng.So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh mới đã bổ sung 3 Chương, bỏ 1 Chương và3 Điều, bổ sung 13 Điều; có 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn về đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, điều kiện, tiêu chuẩn ưu đãi người có công với cách mạng người có công, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, về quản lý Nhà nước, về tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh bổ sung chế độ được cấp Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng tại khoản 1 Điều 9 và điểm a khoản 1 Điều 12. Pháp lệnh cũng bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ quy định tại các điểm g, h, i và k khoản 2 Điều 5 như sau:
Thứ nhất, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở; chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước.
Thứ hai, ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ ba, vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.Thứ tư, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
8. Giảm 50% lệ phí cấp căn cước công dân
Ngày 24/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2021/TT-BTC quy định về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có hiệu lực 01/7/2021 và hết hiệu lực 31/12/2021, theo đó: Lệ phí cấp Căn cước công dân Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
9. Thu hồi CMND, CCCD cũ khi đổi sang CCCD gắn chíp
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 59/2021/TT-BCA ngày 15/05/2021 của Bộ Công an về quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.
Theo đó, khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân thì Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng sẽ được thu hồi. Công dân yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú. Thêm vào đó, số định danh cá nhân của công dân là số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh. Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.
Ngoài ra, số định danh cá nhân có thể được xác lập lại trong trường hợp công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch; hoặc được hủy nếu có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào dữ liệu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho công dân khác. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.
10. Phải nêu rõ lý do từ chối tiếp nhận đề nghị cấp CCCD
Ngày 15/5/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư 60/2021/TT-BCA về việc quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Theo đó, công dân có thể đến địa điểm làm thủ tục cấp Căn cước công dân hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Cán bộ thực hiện có thể từ chối tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nếu công dân không đủ điều kiện cấp, cấp đổi, cấp lại, nhưng phải nêu rõ lý do.Về thời hạn xử lý hồ sơ, đối với hồ sơ do Công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ phải hoàn thành việc xử lý và chuyển dữ liệu điện tử lên Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với hồ sơ do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận thì trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ phải hoàn thành việc xử lý, phê duyệt, in hoàn chỉnh thẻ Căn cước công dân.
Ngoài ra, đối với dữ liệu điện tử do đơn vị tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển lên thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ dữ liệu điện tử, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải hoàn thành việc xử lý, phê duyệt, in hoàn chỉnh thẻ Căn cước công dân.Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
11. Các hình thức khai báo tạm vắng từ ngày 01/7/2021
Ngày 15/5/2021, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 55/2021/TT-BCA về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú. Theo đó, việc khai báo tạm vắng đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng do cơ quan đăng ký cư trú quy định; Số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết; Trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú; Ứng dụng trên thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Ngoài ra, trường hợp đăng ký thường trú không đúng thẩm quyền, không đúng điều kiện và không đúng đối tượng quy định tại Luật Cư trú thì cơ quan đã đăng ký thường trú ra quyết định huỷ bỏ việc đăng ký thường trú. Trường hợp phức tạp báo cáo Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan đã đăng ký cư trú xem xét, ra quyết định hủy bỏ việc đăng ký thường trú.Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021.
12. Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức y tế
Ngày 06/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng và nội dung, hình thức, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Theo quy định, viên chức ngành y tế được đăng ký tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau: Đang giữ chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp với chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Viên chức ngành y tế còn phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề; có năng lực chuyên môn; đáp ứng yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Ngoài các tiêu chuẩn trên, viên chức phải được cơ quan sử dụng viên chức cử tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng; đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp. Đối với viên chức xét từ hạng II lên hạng I phải được bổ nhiệm chức danh Giáo sư hoặc Phó giáo sư chuyên ngành. Trường hợp từ hạng III lên hạng II phải được cấp bằng chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ chuyên ngành phù hợp. Trường hợp hạng IV lên hạng III phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.
13. Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm y tế huyện
Ngày 27/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 07/2021/TT-BYT về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS; Thực hiện các hoạt động dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh môi trường, y tế trường học; Tổ chức thực hiện khám, phân loại sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động;
Thực hiện sơ cứu, cấp cứu; Thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, phẫu thuật, chuyển tuyến theo quy định;…
Bên cạnh đó, các phòng chức năng thuộc Trung tâm Y tế huyện bao gồm: Phòng Tổ chức – Hành chính; Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ; Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe; Phòng Điều dưỡng; Phòng Tài chính – Kế toán. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nhu cầu thực tế của từng địa phương, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập, tổ chức lại các phòng chức năng thuộc Trung tâm Y tế huyện.
Ngoài ra, các khoa chuyên môn thuộc Trung tâm Y tế huyện bao gồm: Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS; Khoa Y tế công cộng; Khoa An toàn thực phẩm; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản;Khoa Khám bệnh; Khoa Cấp cứu; Khoa Nội, Khoa Ngoại; Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức; Khoa Nhi; Khoa Xét nghiệm;…Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.
14. Cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế đối với vụ việc trợ giúp pháp lý
Ngày 25/5/2021, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-BTP về việc hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó, thời gian theo buổi làm việc thực tế được áp dụng đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc. Một buổi làm việc thực tế được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc.
Bên cạnh đó, căn cứ để tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự gồm:
Tham gia hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng, đương sự trong vụ án hình sự;
 Tham gia đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra và thực hiện các công việc tham gia tố tụng khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng;…
Ngoài ra, trường hợp 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ việc theo quy định của pháp luật thì thời gian làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý là thời gian thực tế của từng người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện nhưng tổng số thời gian không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc đối với vụ việc tham gia tố tụng hoặc không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc đối với vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2021

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 2
Tổng số lượt truy cập: 9
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png