Trang chủ > Chuyên mục > Cải cách hành chính > Điểm mới trong quy định rà soát, đánh giá thủ tục hành chính

Điểm mới trong quy định rà soát, đánh giá thủ tục hành chính

Ngày đăng bài: 07/01/2021
Một trong những điểm mới quan trọng nhất trong quy định rà soát, đánh giá chính là việc bổ sung quy định về rà soát, đánh giá chuyên đề. Đây chính là một nhu cầu thực tế trong cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, đã được pháp lý hóa tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả trên toàn quốc.
 
1.jpg
Rà soát, đánh giá sự phù hợp thủ tục hành chính với triển khai dịch vụ công trực tuyến
 Rà soát, đánh giá sự phù hợp của thủ tục hành chính và các quy định liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) với yêu cầu triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, hoàn thiện quy định thủ tục hành chính và lựa chọn thủ tục hành chính để xây dựng lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) khả thi, hiệu quả. Việc rà soát, đánh giá tập trung vào 02 nội dung: Sự phù hợp của nội dung quy định thủ tục hành chính với yêu cầu, tiêu chuẩn thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ và tính hiệu quả của việc xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đối với việc đánh giá sự phù hợp của nội dung quy định thủ tục hành chính, căn cứ vào nội dung quy định của các bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính và cách thức phân loại dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ, cơ quan, đơn vị chủ trì rà soát tổ chức rà soát, đánh giá, xác định các quy định thủ tục hành chính không phù hợp để triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, cơ quan, đơn vị chủ trì rà soát đề xuất các giải pháp thực hiện theo hướng: (1) Xử lý bất cập bằng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong quá trình thiết kế hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Xử lý bất cập thông qua sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Chẳng hạn, đối với tiêu chí hồ sơ được gửi qua môi trường mạng thì những thủ tục hành chính mà thành phần hồ sơ có dung lượng lớn hơn mức dung lượng cho phép của hệ thống chỉ có thể thực hiện được dịch vụ công mức độ 3, 4 khi sử dụng giải pháp đơn giản hóa quy định về thành phần hồ sơ hoặc thực hiện các giải pháp kỹ thuật để mở rộng dung lượng tải dữ liệu điện tử của hồ sơ TTHC lên hệ thống hay tích hợp với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan. Đối với những hồ sơ, giấy tờ có yêu cầu bản chính hoặc xác nhận của bên thứ ba thì có thể thực hiện được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thông qua việc sử dụng chữ ký số hoặc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị; trường hợp hồ sơ, giấy tờ yêu cầu phải ký trực tiếp, hoặc hoàn thành trước sự chứng kiến của cơ quan, đơn vị, cá nhân thụ lý hồ sơ (Ví dụ: Công chứng hợp đồng; chứng thực hợp đồng,…) thì để thực hiện dịch vụ công mức độ 3 có thể bổ sung quy định cho phép hoàn thành việc ký trước khi nhận kết quả, … Hay những thủ tục hành chính bắt buộc phải tiến hành kiểm tra thực tế để đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện của thủ tục thì để thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 phải sửa đổi quy định này để đáp ứng tiêu chí Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Hoặc những thủ tục hành chính mà kết quả giải quyết yêu cầu bắt buộc đối tượng thực hiện phải ký khi nhận kết quả (Ví dụ, thủ tục đăng ký kết hôn trong nước,…) thì chỉ có thể thực hiện dịch vụ công mức độ 4 khi sửa đổi hình thức thực hiện quy định này để đáp ứng tiêu chí có thể trả kết quả qua mạng,… Như vậy, thông qua việc rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy định thủ tục hành chính với các tiêu chí dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp cơ quan chủ trì xác định được: (1) Thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (2) Thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu nhưng có thể triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua giải pháp khắc phục bằng kỹ thuật, công nghệ trong quá trình thiết kế hệ thống cung cấp dịch vụ công; (3) Thủ tục hành chính để triển khai dịch vụ công trực tuyến phải chờ sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Thực tế, trong số các thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu để đưa vào triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhưng do nguồn lực hạn chế và khả năng sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của các đối tượng thực hiện khác nhau nên hiệu quả triển khai của từng thủ tục hành chính sẽ khác nhau. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với từng bộ, ngành, địa phương, việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính còn phải xem xét tính hiệu quả của việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với từng thủ tục hành chính. Tiêu chí xem xét tính hiệu quả của việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến xác định dựa trên 02 nội dung: (1) Tính đơn giản và dễ triển khai dịch vụ công trực tuyến của từng thủ tục hành chính; (2) Hiệu năng sử dụng của hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, các thủ tục hành chính đơn giản, có thể triển khai ngay dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là các thủ tục hành chính đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, thủ tục hành chính đáp ứng tiêu chí có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mà không phải sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Thứ hai, thủ tục hành chính có trình tự thực hiện không liên quan đến việc phối hợp xử lý giữa các cơ quan khác ngành hoặc việc giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan đã có sự tích hợp, kết nối, chia sẻ các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Ví dụ: Thủ tục Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp (Mã số hồ sơ trên CSDLQGTTHC - B-BGT-285473-TT), trình tự thực hiện không liên quan đến cơ quan khác ngành.
Thứ ba, thủ tục hành chính mà hồ sơ, giấy tờ đơn giản, chủ yếu do đối tượng thực hiện tự thực hiện và cung cấp mà không cần xác nhận hoặc là kết quả thực hiện do bên thứ 3 cung cấp.Ví dụ: Thủ tục Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp (Mã số hồ sơ trên CSDLQGTTHC - B-BGT-285473-TT) có 2/3 thành phần hồ sơ của TTHC này là do đối tượng tự thực hiện và cung cấp.
Thứ tư, thủ tục hành chính không yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi nhận kết quả giải quyết, trừ nghĩa vụ về phí, lệ phí. Ví dụ: Thủ tục Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp (Mã số hồ sơ trên CSDLQGTTHC - B-BGT-285473-TT) chỉ yêu cầu nộp lệ phí.
Cuối cùng, thủ tục hành chính mà đã có cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho quá trình xem xét, quyết định giải quyết thủ tục (nếu có). Ví dụ: Thủ tục Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp (Mã số hồ sơ trên CSDLQGTTHC - B-BGT-285473-TT) đã có Hệ thống thông tin giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải xây dựng.
Về các loại thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu về hiệu năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến để triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 bao gồm:
Thứ nhất, thủ tục hành chính có số lượng đối tượng tuân thủ lớn, tần suất thực hiện cao. Ví dụ: Thủ tục Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới do bị mất, bị hỏng (mã số hồ sơ trên CSDLQGTTHC - B-BGT-285513-TT) là TTHC đơn giản, có thể triển khai ngay DVCTT mức độ 4 nhưng số lượng đối tượng tuân thủ trong 01 năm của cả nước là rất ít (có năm không có trường hợp nào) thì việc đầu tư xây dựng, duy trì hệ thống cung cấp DVCTT là tốn kém, lãng phí.
Thứ hai, loại đối tượng thực hiện thủ tục hành chính có khả năng áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Ví dụ: Thủ tục Đăng ký kết hôn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số theo Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số (mã số hồ sơ trên CSDLQGTTHC - B-BTP-244614-TT) là TTHC đơn giản có thể triển khai DVCTT mức độ 3, tuy nhiên đối tượng thực hiện là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có những khó khăn trong việc tiếp cận, thực hiện theo phương thức điện tử.
Cuối cùng, loại thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa thống nhất trong toàn quốc, địa phương không được quy định chi tiết thêm (áp dụng đối với rà soát của Bộ, ngành để đăng ký triển khai hệ thống cung cấp DVCTT trên toàn quốc). Ví dụ, thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở kết quả rà soát theo các tiêu chí nêu trên, cơ quan, đơn vị chủ trì rà soát tổng hợp danh mục thủ tục hành chính đề xuất thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình, trong đó phải xác định rõ tên thủ tục hành chính, mức độ áp dụng dịch vụ công trực tuyến, năm (hoặc giai đoạn) triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến; danh mục thủ tục hành chính chưa phù hợp để triển khai dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải xác định rõ tên thủ tục hành chính, lý do không phù hợp, giải pháp khắc phục.
Tăng cường trách nhiệm giải trình và sự tham gia của đối tượng thực hiện
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định về thủ tục hành chính. Do đó, hơn ai hết các đối tượng này sẽ hiểu rõ nhất những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong quy định và thực hiện thủ tục hành chính. Vì vậy, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP đã sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường sự tham gia của đối tượng thực hiện trong quá trình rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 24 Thông tư này quy định cơ quan rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập thông tin trong quá trình rà soát, đánh giá, cho ý kiến, tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá. Hay quy định quyền cá nhân, tổ chức phản ánh về thủ tục hành chính còn gây khó khăn, vướng mắc, bất cập, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Đồng thời, Thông tư cũng quy định cơ quan, đơn vị chủ trì rà soát phải có tiếp thu, giải trình phương án đơn giản hóa.
Một vấn đề khác có ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng rà soát là sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP bổ sung quy định rõ ”khi nhận đề nghị kèm theo phương án đơn giản hóa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bộ, cơ quan ngang bộ xem xét, đánh giá và phản hồi về kết quả rà soát, đánh giá của địa phương”. Đây chính là cơ chế phản hồi để tăng cường trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành về những quy định còn gây vướng mắc, khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện; đồng thời, cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính do địa phương tiến hành. Bên cạnh đó, ngoài việc quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình rà soát từ xây dựng kế hoạch đến tổ chức rà soát và trình thông qua phương án đơn giản hóa thì Thông tư số 02/2017/TT-VPCP còn quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp thực hiện như: Điều 26 Thông tư này quy định ” Đối với trường hợp nhóm thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp để bảo đảm kết quả rà soát có chất lượng, đạt được mục tiêu đề ra”,...
Một số điểm mới khác trong quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP
Ngoài quy định về công bố, công khai, quản lý và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thì Thông tư số 02/2017/TT-VPCP còn quy định cụ thể về quản lý, vận hành hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính; quy định về chế độ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Trong đó, tại Thông tư, chế độ báo cáo điện tử đã được pháp lý hóa; đồng thời có sự tích hợp báo cáo triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong báo cáo công tác kiểm soát thủ tục hành chính để đơn giản hóa chế độ báo cáo. Theo đó, Điều 62 Thông tư này quy định căn cứ chỉ đạo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo được thực hiện một trong các hình thức báo cáo bằng văn bản giấy hoặc báo cáo điện tử. Đồng thời, để thực hiện báo cáo điện tử, Thông tư đã quy định cụ thể về quy trình nghiệp vụ báo cáo điện tử tại Phân hệ Quản lý báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trên Hệ thống quản lý và đánh giá về kiểm soát thủ tục hành chính.
Như vậy, việc bổ sung những quy định mới, sửa đổi những quy định còn bất cập trong rà soát, đánh giá thủ tục hành chính sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng rà soát, đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách thủ tục hành chính. Cũng như những điểm mới khác trong quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, các quy định này sẽ là cơ sở góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính./.
(Nguồn tin: thutuchanhchinh.vn)
Ngọc ICT

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 11
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png