Trang chủ > Tin tức > Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng > Đẩy lùi tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong cán bộ, đảng viên hiện nay - nhìn từ Tác phẩm “Sửa đổi l

Đẩy lùi tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong cán bộ, đảng viên hiện nay - nhìn từ Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng bài: 15/11/2024
Người viết: ThS. Nguyễn Công Chánh
Giảng viên Khoa xây dựng Đảng,

Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

Tóm tắt: Tháng 10 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, với bút danh X.Y.Z. Nội dung của tác phẩm đề cập tới nhiều vấn đề vừa có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Một trong những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm là đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trong đó có việc chống tư tưởng cơ hội, thực dụng, trung bình chủ nghĩa. Đây chính là những chỉ dẫn cực kỳ giá trị, có ý nghĩa hết sức to lớn, thiết thực đối với mỗi đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng trong cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Từ khóa: tư tưởng, đạo đức, chủ nghĩa cơ hội, trung bình chủ nghĩa, tự phê bình, phê bình.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 10 năm 1947, với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta chống thực dân Pháp đang bước vào thời kỳ bắt đầu. Năm 1947, tức là sau hai năm Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, sự nghiêp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, qua thực tiến đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, đội ngũ cán bộ, đảng viên của chúng ta đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện tiêu cực, những hạn chế trong cách thức, lề lối, tác phong làm việc. Những biểu hiện đó nếu chậm được phát hiện và sửa chữa sẽ ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhân dân, thậm chí của cán bộ, đảng viên đối với Đảng và chính quyền, từ đó ảnh hưởng tới toàn bộ sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
“Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm rất quan trọng, nội dung của tác phẩm đề cập tới nhiều vấn đề vừa có tính lý luận, vừa có tính nguyên tắc, cũng như còn nguyên giá trị trong chỉ đạo thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Đặc biệt trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều tâm sức để bàn về tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trong đó có tư tưởng trung bình chủ nghĩa (bình quân chủ nghĩa). Cụ thể, không chỉ có tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong phân phối mà còn cả trong chính trị, đạo đức, lối sống qua đó chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, lệch lạc trong lề lối làm việc, góp phần chấn chỉnh nhận thức tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ lý luận chính trị, năng lực công tác của đảng viên, cán bộ, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng.
Hội nghị Trung ương 6 khóa X, đặc biệt là tại Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, Đảng ta xác định nhiệm vụ: “Các cấp ủy phải quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chủ động dự báo tình hình để kịp thời trang bị những thông tin có định hướng của Ðảng cho cán bộ, đảng viên. Ðổi mới, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị; chú ý bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên kỹ năng lãnh đạo, giải quyết những tình huống cụ thể xảy ra ở cơ sở. Chủ động khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa(1).
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, đã chỉ rõ một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị là:Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”(2).
Nhận diện tư tưởng trung bình chủ nghĩa
Tư tưởng trung bình chủ nghĩa (bình quân chủ nghĩa) thực chất sâu xa đó chính là một biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội. Những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa là những kẻ tỏ ra khéo léo, thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng để đạt mục đích cá nhân với suy nghĩ sai lầm sẽ không làm ảnh hưởng tới lợi ích chung. Thực tế hiện nay trong nội bộ chúng ta có không ít những cá nhân mang tư tưởng trung bình chủ nghĩa.
Ngay từ sớm Bác Hồ đã chỉ ra: “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, hạng ở giữa nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn …”(3). Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng trung bình chủ nghĩa chủ yếu thể hiện về mặt nhận thức, thái độ của con người. Theo như ở trên, hạng người vừa vừa, hạng ở giữa chính là những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Thực tế hạng người này thường chiếm đa số trong tập thể, cũng vì thế những biểu hiện của nó cũng rất đa dạng.
Có thể thấy, tư tưởng trung bình chủ nghĩa chính là hệ quả của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây, đó chính là tâm lý dựa dẫm, ỉ lại vào cơ chế, ỉ lại tập thể. Hiện nay, khi mà cơ chế “xin - cho” vẫn đang còn tồn tại, hơn nữa văn hóa trọng tình nghĩa của người Việt đã và đang tạo điều kiện hình thành, phát triển tư tưởng trung bình chủ nghĩa.
Như đã khẳng định từ đầu, tư tưởng trung bình chủ nghĩa thực chất sâu xa chính là một dạng chủ nghĩa cơ hội, chính vì thế đặc điểm của nó cũng giống như đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội, có nghĩa là nó mang tính chất không rõ ràng, mờ mờ, ảo ảo, không xác định được. Chính vì bản chất như vậy nên những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa thường đặt vấn đề, giải quyết vấn đề không rõ ràng và dứt khoát, mà luôn tìm cho mình một “đường đi” ở giữa, không đứng về phía một quan điểm nào cả mà tìm mọi cách để “thỏa hiệp” với những quan điểm đó. Những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa thường “gió chiều nào theo chiều ấy”, không có lập trường rõ ràng, và thường rất thụ động, thậm chí là bàng quan với những vấn đề xung quanh.
Về hành vi, những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, họ lặng lẽ, kín đáo giống như không làm gì cả nhưng thực chất đó chính là những hành vi cơ hội, khéo léo lách theo “thời thế” và chính vì thế nên không động chạm đến ai. Những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa do họ cứ thuận theo “thời thế”, lúc nào cũng đứng ở giữa, mang tư tưởng trung lập, ngại va chạm, chính vì vậy, nên họ không thừa nhận mâu thuẫn và không giải quyết các mâu thuẫn, cũng không dám góp ý sửa đổi. Chính vì không dám góp ý, không đưa ra những cách làm tiến bộ nên sẽ dẫn đến sự trì trệ, bệnh hình thức từ đó mà hình thành và ngày càng phổ biến. Điều đó cũng có nghĩa là họ không nêu cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra, nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(4).
Tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong chính trị, đạo đức, lối sống xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân thực dụng, kết hợp với sự khủng hoảng niềm tin một cách nặng nề. Nói cách khác ở những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, họ sống không có lý tưởng, không có ước mơ, hoài bão, có chăng cũng chỉ là những ước mơ, hoài bão xoay quanh cái nhu cầu vật chất của chính họ và gia đình. Họ là những người không có chính kiến, mặc dù họ biết được, nhận thức được vấn đề chung của xã hội. Vì thế họ tìm mọi cách để thỏa hiệp, “nhất trí” với ý kiến này “đồng ý” với ý kiến khác. Tất cả cũng vì một mục đích duy nhất đó là bảo đảm được lợi ích của chính mình.
Giải pháp khắc phục tư tưởng trung bình chủ nghĩa
Một là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái. Đây là giải pháp mà chúng ta thường hay đề cập đến, nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó chính là do cách lãnh đạo không được dân chủ, cách công tác không được tích cực. Quần chúng họ không nói không phải vì họ không biết, không có ý kiến, nhưng vì nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, đôi khi lại bị “trù dập”. Vì thế cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với đảng viên xa rời nhau. Trên thì tưởng đằng dưới cái gì cũng tốt cũng đẹp nhưng đằng dưới thì trở nên phẫn nộ và uất ức. Cũng chính từ đó nên làm cho quần chúng bàng quan về những vấn đề xung quanh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai cũng không muốn đấu tranh. Vì vậy, “để khắc phục được điều đó cấp trên phải để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết”(5).
Hai là, phải chấp nhận thực tế có nhiều ý kiến khác nhau trong cùng một vấn đề, gắn liền với công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình, đặc biệt là ở những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng. Xét đến cùng tồn tại xã hội sẽ quyết định đến ý thức xã hội, con người ta làm việc trong những môi trường khác nhau, chịu sự quản lý khác nhau và đặc biệt là thu nhập khác nhau nên khi bàn về một vấn đề, mỗi cá nhân với trình độ nhận thức, điều kiện tồn tại của họ khác nhau nên sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau, cách tư duy, giải quyết vấn đề không thể giống nhau hoàn toàn. Cho nên mỗi chúng ta phải xem đó là một điều bình thường, để từ đó phát huy sáng kiến của từng cá nhân. “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Và trong khi hăng hái thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”(6).
Ba là, giáo dục tình thương yêu đồng chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng căn dặn: “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình thương yêu đồng chí”(7). Nói cách khác là phải chấp nhận mâu thuẫn, đấu tranh giải quyết mâu thuẫn. Phê bình, góp ý không phải là để trù dập, để bôi nhọ hay hạ uy tín người khác và nâng mình lên mà phê bình góp ý là mục đích để giúp đồng chí mình nhìn thấy được những hạn chế, khuyết điểm của mình, tổ chức của mình, chỉ ra nguyên nhân, cách khắc phục và để đồng chí của mình, tổ chức mình ngày càng tiến bộ. Đó chính là tình thương yêu đồng chí, đó chính là động cơ mục đích trong sáng. Và như vậy, từng cá nhân sẽ mạnh lên, tổ chức cũng sẽ mạnh lên, tư tưởng trung bình chủ nghĩa cũng sẽ được khắc phục.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với đánh giá thực chất từng con người, từng tổ chức. Khắc phục kiểu đánh giá chung chung, hình thức, chiếu lệ trong đánh giá. Chính cách đánh giá như vậy sẽ dẫn đến phân phối theo lối cào bằng, ai cũng như ai. Vì thế sẽ không tạo ra động lực thúc đẩy từng cá nhân, tổ chức vươn lên, phát huy năng lực của bản thân. Và với suy nghĩ “làm gì cũng vậy, rồi ai cũng như ai” sẽ trói chặt lối tư duy một chiều, sẽ giữ con người trong hố sâu của sự trì trệ, thụ động. Đó chính là điều kiện dung dưỡng cho tư tưởng trung bình chủ nghĩa tiếp tục nảy sinh và phát triển.
Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không giám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 77 năm, tuy nhiên những giá trị của tác phẩm đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị về cả mặt lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, việc nghiên cứu những nội dung của tác phẩm là việc làm cực kỳ cần thiết đối với mỗi đảng viên, cán bộ, từ đó nắm vững những chỉ dẫn của tác phẩm và vận dụng vào công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ hiện nay./.
 
  
(1) Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, tr.123.
(2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, T.5, tr.329,286,284,284,611
(7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, T15, tr.611.
 

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 6
Tổng số lượt truy cập: 6
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png