Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Bài 1: Góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động

Bài 1: Góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động

Ngày đăng bài: 01/12/2015
(GLO)- 6 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả khả quan. Sau đào tạo nghề, có 80% lao động nông thôn được giải quyết việc làm, nâng cao kỹ năng nghề và tăng thu nhập cho các hộ gia đình.

 

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động qua đào tạo nghề, từ năm 2010 đến nay, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) đã góp phần không nhỏ vào giải quyết việc làm, nâng cao kỹ năng nghề, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra của Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh mới đây cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Đa dạng ngành nghề đào tạo
 

  Nông dân xã Hnol (huyện Đak Đoa) học nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ. Ảnh. Đinh Yến
Nông dân xã Hnol (huyện Đak Đoa) học nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ. Ảnh. Đinh Yến

Theo kết quả điều tra, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 thì có khoảng 73.000 người có nhu cầu học nghề. Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề. Nếu năm 2010, toàn tỉnh có 11 cơ sở dạy nghề thì cuối năm 2015 nâng lên 17 cơ sở dạy nghề, trong đó có 15 cơ sở dạy nghề công lập và 2 cơ sở dạy nghề ngoài công lập.

Tính từ cuối năm 2010 đến đầu tháng 11-2015, thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề miễn phí cho 49.000 người, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 là trên 34.000 người. Sau đào tạo nghề, có gần 80% người được giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, ngày công và thu nhập ở chính nghề bà con đang làm. Tổng kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 1956 trong 6 năm là trên 100 tỷ đồng, trong đó gần 60 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây mới và mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề, còn lại là kinh phí hỗ trợ cho người học nghề và phục vụ công tác dạy nghề, người lao động được học với 37 nghề đào tạo. Sở Nội vụ cũng đã đào tạo và bồi dưỡng được cho gần 4.500 cán bộ, công chức cấp xã, với tổng kinh phí đào tạo là 5,9 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả này, những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh đã phối hợp với các sở liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, việc phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh phân cấp về cho cấp huyện quản lý. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, chính quyền huyện, xã ký kết với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh để mở lớp dạy nghề theo nhu cầu cho bà con. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra về việc thực hiện đề án ở các địa phương, nhờ đó, việc thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh luôn đạt kế hoạch. Điều này đã góp phần không nhỏ vào nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 20% năm 2010 lên 45% năm 2015.

Nâng cao kỹ năng nghề và thu nhập cho người lao động

Đi cùng Đoàn kiểm tra thực hiện Đề án 1956 của Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh về kiểm tra tình hình công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các huyện: Kông Chro, Đức Cơ, Đak Đoa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa mới đây, chúng tôi thấy hiệu quả của công tác này là rất lớn. Đặc biệt, nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ do Trường Trung cấp Nghề số 15 (Binh đoàn 15) mở tại làng Bót (xã Hnol, huyện Đak Đoa) vào tháng 9-2015. Anh Hoih (làng Bót, xã Hnol, huyện Đak Đoa) cho hay: Trước đây, bà con trong làng chưa được học nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ, mỗi khi máy hỏng hóc bà con phải tốn bao công sức và tiền bạc đi tìm thợ về sửa chữa. Nhưng qua lớp học này, bà con được hướng dẫn sửa chữa những “căn bệnh” cơ bản của máy, vì thế, khi máy cày hỏng ở bộ phận nào là thanh niên trong làng sửa chữa được. Nhờ thế mà giảm được nhiều chi phí cho gia đình.

Qua tìm hiểu của P.V, tất cả các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh trong thời gian qua đều là những nghề bà con đã biết. Khi người dân được tiếp thu thêm những kỹ năng, kỹ thuật canh tác thì năng suất cây trồng mang lại cao hơn. Chị Hlam (làng Vẻh, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cùng với 29 hộ khác trong làng vừa tham gia lớp học nghề trồng và chăm sóc tiêu, kể: Trước khi tham gia lớp học nghề trồng tiêu, nhà mình đã trồng 200 trụ tiêu rồi. Khi tham gia lớp học được thầy giáo hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu, cách chôn trụ, kỹ thuật làm đất trước khi trồng, cách cột dây tiêu ác, dây tiêu lươn. Sau lớp học nghề này, mình đã nắm được kỹ thuật trồng tiêu nên quyết định đầu tư trồng thêm 400 trụ tiêu nữa.

Nguồn: Đinh Yến Báo Gia Lai


Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 12
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png