Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Chư Pưh bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng

Chư Pưh bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng

Ngày đăng bài: 18/01/2022
Thời gian qua huyện Chư Pưh luôn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều hình thức, cách làm hay. Chính vì vậy, văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển trong đời sống người Jrai nơi đây.

2.jpg
Nghệ nhân cồng chiêng Siu Tek dạy cách đánh chiêng cho thanh thiếu niên trong làng.
 
Làng Djriếk, thị trấn Nhơn Hòa là một trong những điểm sáng về việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Chư Pưh. Việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng đối với người dân tộc thiểu số ở làng Djriếk được lưu truyền qua các thế hệ. Bà con nơi đây thường sử dụng cồng chiêng trong các lễ hội, trong các buổi biểu diễn văn nghệ và nhất là trong các lễ cúng đầu năm, lễ cúng lúa mới…Nghệ nhân cồng chiêng Siu Tek–năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn luôn dành trọn niềm đam mê với cồng chiêng. Mặc dù bận rộn với công việc gia đình nhưng ngoài các lễ hội ở làng Djriếk, ông vẫn dành thời gian đến các thôn, làng khác trong huyện để dạy cách đánh chiêng cho lớp trẻ. Ông Siu Tek, Làng  Djriếk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: “Tôi sinh sống ở làng Djriếk tới khi lớn lên lấy vợ vẫn được nghe cồng chiêng của người Jrai. Tôi nghe, hiểu và giờ đây là truyền dạy cho con cháu biết đánh chiêng, biết giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc” .
Hiện làng Djriếk có 3 bộ cồng chiêng, gồm 36 chiếc thuộc quyền sở hữu chung của làng. Đặc biệt, nhờ chú trọng công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ nên không chỉ các nghệ nhân mà phần lớn người trong làng đều biết đánh cồng chiêng kể cả các em nhỏ. Em Siu Thanh-Làng Djriếk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh nói: “Nhờ người già truyền dạy nên giờ đây em cũng đã thuần thục những bài chiêng đó. Hiện nay, em cùng với các nghệ nhân trong làng dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ để giữ gìn lại bản sắc dân tộc mình”.
Trên địa bàn huyện Chư Pưh hiện lưu giữ được 55 bộ cồng chiêng; hơn 400 người biết diễn tấu cồng chiêng, trên 20 bài chiêng được lưu truyền; 18 đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, phục vụ sự kiện, lễ hội tại địa phương… Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng, hàng năm, huyện Chư Pưh thường xuyên tổ chức hội thi Văn hóa-Cồng chiêng thu hút hàng trăm nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn tham gia, qua đó duy trì, phát triển các hoạt động nghệ thuật quần chúng nói chung và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá cồng chiêng nói riêng trong toàn huyện. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau, qua đó thúc đẩy hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở ngày càng phát triển. Bà Phạm Thị Hương-Phó Bí Thư Đảng ủy thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: “Trong những năm gần đây, Đảng ủy thị trấn Nhơn Hòa đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Trong đó trên địa bàn thị trấn Nhơn Hòa phát triển và bảo tồn được 7 bộ Cồng chiêng các nghệ nhân hiện nay được đào tạo nâng cao tay nghề. Các đội Cồng chiêng, các nghệ nhân ngày càng gia tăng và cũng đã tham gia nhiều Hội thi do cấp trên tổ chức và đem lại nhiều giải cao. Qua đó, tại thị trấn Nhơn Hòa đã phát triển 1 đội Cồng chiêng nhí tại làng Djriếk, đội Cồng chiêng này được các cấp ủy quan tâm và cũng đã đào tạo và được đánh giá là có tiềm năng phát triển cao cho địa bàn thị trấn Nhơn hòa nói riêng và huyện Chư Pưh nói chung”.
Bên cạnh hoạt động diễn ra thường niên góp phần lưu giữ, bảo tồn giá trị  văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, từ năm 2016 đến nay phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pưh đã mời nghệ nhân giỏi về đánh chiêng, chỉnh chiêng để mở 12 lớp dạy cồng chiêng cho gần 440 thanh thiếu niên trên địa bàn. Qua đó thu hút nhiều bạn trẻ đam mê nhạc cụ dân tộc hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sau mỗi khóa học, các em đều nắm vững được các thao tác cơ bản và đánh thành thạo từ 5 bài chiêng truyền thống trở lên. Tại các xã, thị trấn, đều duy trì việc tập luyện và biểu diễn của các đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng thanh thiếu niên. Ông Huỳnh Văn Lên-Trưởng phòng Văn hóa–Thông tin huyện Chư Pưh cho biết: “Trong những năm qua được sự  quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Chư Pưh, phòng Văn hóa-Thông tin đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa dân tộc Tây nguyên, đặc biệt giá trị của tiếng Cồng tiếng chiêng của dân tộc Jrai trên địa bàn. Chính vì vậy, đã tổ chức các Hội thi văn hóa Cồng chiêng từ đó đã khơi dậy tiềm năng, giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc tạo sự đồng thuận trong đồng bào dân tộc thiểu số tạo nên sự đoàn kết, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong thời gian tới, phòng xây dựng đề án làm tốt công tác tuyên truyền và duy trì hội thi văn hóa để bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Để bảo tồn, phát huy di sản-không gian văn hóa Cồng chiêng, cần có sự chung tay của  các cấp các ngành, vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hóa Cồng chiêng và các lễ hội, đặc biệt là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ, nét đẹp văn hoá Cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Pưh sẽ mãi lưu truyền cho con cháu đời sau./.
                                               Hồng Tuyết-Minh Hải

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 12
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png