Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Chủ động phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò

Chủ động phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò

Ngày đăng bài: 16/06/2021
Trước tình hình bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò đang diễn biến phức tạp trên cả nước, các ngành chức năng và những hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Chư Pưh đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm phòng, chống bệnh dịch bệnh xâm nhập vào địa phương. 
1.jpg
Chủ động phòng chống bệnh viêm da nổi cục
 
Bệnh Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò (bệnh này còn được gọi là bệnh Da sần trên trâu, bò). Vi rút này không lây nhiễm và gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4-14 ngày, tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%; tỷ lệ chết khoảng 4-14%. Triệu chứng chính của bệnh bao gồm: Sốt cao (có thể trên 41 độ C), con vật bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2-5cm, đặc biệt là vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao, các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử, vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng; trâu, bò có thể chết, gây tổn thất về kinh tế cho người nông dân. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10 năm 2020, đến  nay, dịch bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đang diễn biến phức tạp tại 1.660 ổ dịch xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh trên 44.700 con, số chết và tiêu hủy trên 5.100 con; tính đến ngày 9/6/2021, toàn tỉnh Gia Lai có 306 con bò của 186 hộ thuộc 37 thôn, làng tại 12 xã/4 huyện như Mang Yang, Đăk Đoa, Đức Cơ và Chư Sê bị mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 6 con bị chết. Ông Huỳnh Văn Hòa-Thôn Plei Djriếk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: “Gia đình tôi nuôi được 9 con bò, được cán bộ huyện đến tuyên truyền về bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò  và hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh.  Đây là dịch bệnh mới xuất hiện, tôi cũng còn khá lạ lẫm với nó. Do đó, tôi chủ động tìm hiểu thông qua nhiều kênh khác nhau về biểu hiện bệnh, cách lây truyền, biện pháp phòng, chống hiệu quả, cách chăm sóc đàn bò. Gia đình tôi tăng cường vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ, thường xuyên”.
Theo thống kê, toàn huyện Chư Pưh có tổng đàn trâu, bò là 25.241 con, trong đó đàn trâu 513 con, đàn bò 24.728 con. Hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh và các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển nên nguy cơ bệnh Viêm da nổi cục phát sinh và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Trước tình hình trên, trong thời gian qua, huyện Chư Pưh đã tập trung triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng chống bệnh như tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi hiểu rõ về bệnh, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, quản lý đàn trâu, bò và áp dụng các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo quy trình. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đang phức tạp, nguy cơ trong thời gian tới có khả năng lây lan cao. Bởi huyện có đường Quốc lộ 14 chạy qua, đồng thời giáp với huyện Ea H’Leo của tỉnh Đak Lăk và huyện Chư Sê. Bên cạnh đó, tình hình chăn thả trâu, bò trên cánh đồng, bãi chăn thả chung trên địa bàn huyện còn rất phổ biến, thời tiết thay đổi liên tục, điều kiện của các hộ chăn nuôi, đặc biệt là vùng ĐBDTTS còn hạn chế. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh, các ngành chức năng của huyện và các xã, thị trấn cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển trâu bò trên địa bàn huyện, tuyệt đối không cho nhập vào tỉnh trâu bò hay sản phẩm từ trâu bò không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng, các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt cần hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Rà soát chính xác tổng đàn gia súc, (trâu, bò…)  để có các giải pháp tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh nơi nuôi nhốt gia súc; khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện bệnh kịp thời khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn và đảm bảo công tác kiểm soát giết mổ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Cho-Cán bộ Thú y xã Ia Le, huyện Chư Pưh nói: “Trước thông tin dịch viêm da nổi cục xuất hiện tại 4 huyện của tỉnh gia Lai, theo chỉ đạo của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và UBND xã Ia Le, cán bộ thú y xã đã hướng dẫn, kiểm tra đàn vật nuôi, nhất là xử lý chồng trại, vệ sinh sạch sẽ, chủ động vắc xin để tiêm cho đàn vật nuôi. Khi có dịch thì cách ly đàn bò, không cho vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi địa bàn”.
Tại Chư Pưh, dù chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhưng hiện nay, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện tại huyện Chư Sê, là địa bàn giáp ranh với huyện Chư Pưh; chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch vào thời điểm này đang được huyện Chư Pưh khẩn trương thực hiện. Ông Nguyễn Công Trình-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh cho biết: “Nhìn chung, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, Trung tâm tổ chức họp giao ban với các thú y viên để báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo cho đội ngũ thú y viên các xã tuyên truyền đến người chăn nuôi hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Chủ động thông báo cho các địa phương và cử cán bộ chuyên môn tuyên truyền cho người dân cách nhận biết về bệnh; đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi nếu thấy có dấu hiệu lạ trên đàn vật nuôi phải báo cho thú y viên để kịp thời xử lý”.
Hi vọng với nhiều giải pháp đang và đã được các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Chư Pưh triển khai quyết liệt nhằm chủ động, kịp thời xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, tiến tới bảo vệ an toàn đàn vật nuôi./.
                                                                                   Hồng Tuyết

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 16
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png