Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ giảm nghèo.

Hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ giảm nghèo.

Ngày đăng bài: 24/08/2022
Chư Pưh là một huyện thuần nông, được chia tách từ huyện Chư Sê theo Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 27/8/2009 của Chính phủ và đi vào hoạt động từ tháng 01 năm 2010. Huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên là 71.891,67 ha.  Huyện có 09 xã, thị trấn với 74 thôn làng (trong đó 01 xã vùng III, 01 xã vùng II và 11 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng I, vùng II); dân số 17.476 hộ/81.628 khẩu với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống (54,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó dân tộc Jrai và Bahnar chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Những năm qua, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ đã góp phần quan trọng làm đổi thay cơ bản diện mạo các thôn, làng, đặc biệt là các thôn, làng khó khăn trên địa bàn huyện Chư Pưh. Đời sống Nhân dân từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trình độ sản xuất, trình độ dân trí được nâng lên đáng kể.

bo.jpg
Anh Siu Bro, thôn Ia Khưng, xã Chư Don thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò
 
Trước đây, gia đình anh anh Siu Bro, thôn Ia Khưng, xã Chư Don thuộc diện hộ nghèo, hàng năm vẫn phải trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Theo những gì mà anh chia sẻ thì việc canh tác cây ngô, cấy lúa không đủ cho nhu cầu cuộc sống của gia đình. Năm 2018, anh Siu Bro được hỗ trợ dê, bò để phát triển sản xuất. Sau 4 năm, nhờ sự chăm chỉ và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, đa dạng hóa phương thức làm ăn, đến nay gia đình anh đã có 1 ha lúa nước, 1 ha mì, nuôi 7 con dê và 1 con bò…thu nhập bình quân mỗi năm, trừ các khoản chi phí còn trên 50 triệu đồng. Nhờ vậy, năm 2019 gia đình anh được công nhận hộ thoát nghèo. Anh Siu Bro-Thôn Ia Khưng, xã Chư Don, huyện Chư Pưh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã cấp phát giống, cây trồng, vật nuôi…để gia đình tôi phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đến nay, gia đình tôi đã thoát được cảnh đói nghèo”.
Nhờ chăm chỉ, cố gắng làm ăn, năm 2021 gia đình anh Phan Văn Hành, thôn Ia Brel, xã Ia Le đã thoát được nghèo. Điều kiện kinh tế khó khăn, năm 2014, anh Phan Văn Hành được hỗ trợ bò để trồng điều và chăn nuôi bò. Sau 6 năm, đến nay gia đình anh đã có 3 ha điều, nuôi 3 con bò…thu nhập bình quân mỗi năm, trừ các khoản chi phí còn trên 40 triệu đồng. Anh Phan Văn Hành-Thôn Ia Brel, xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã cấp phát giống, cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn…để gia đình tôi phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đến nay, gia đình tôi đã thoát được cảnh đói nghèo”.
Cũng nhờ được hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, anh Rmah Đa Nen, sinh năm 1991, trú tại thôn Tung Neng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu trong phong trào giảm nghèo. Hiện tại, anh Nen đang sản xuất 2 ha cà phê đã cho kinh doanh và 250 cây mít Thái với 4 con bò, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện mô hình kinh tế của Rmah Đa Nen được nhiều gia đình trong thôn, trong xã học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo. Anh Rmah Đa Nen- Thôn Tung Neng, xã Ia Đreng, huyện Chư Pưh cho biết: “Khi bắt đầu khởi nghiệp với nuôi bò và chăm sóc cây cà phê tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, về kinh nghiệm chăn nuôi. Nhờ hỗ trợ, tôi đã giảm bớt gánh nặng về nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời, qua sự chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất ở địa phương, qua đó tôi cũng học hỏi và tích lũy thêm được những kiến thức có ích từ thực tiễn vận dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả cao”.
Mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” đã được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Chư Pưh thực hiện  có hiệu quả. Thông qua các hoạt động hỗ trợ kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi, trao cây, con giống, giúp nhau ngày công, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã giúp 41 hộ thoát nghèo có địa chỉ, 68 hộ cận nghèo và hộ khó khăn phát triển kinh tế, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Chị Siu H’ Nhang-Thôn Tao Chor, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh cho biết: “Trước kia, gia đình tôi rất khó khăn. Hàng ngày, tôi phải đi làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống. Được Chi hội Phụ nữ  hỗ trợ 2 con heo lai và tín chấp cho vay vốn để phát triển kinh tế nên gia đình tôi đỡ khó khăn hơn trước nhiều”.
Mô hình “10 cán bộ, hội viên giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo”. Các cán bộ, hội viên giúp đỡ nhau vôn, giống, kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất, cùng nhau trao đổi, học hỏi về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cây trồng vật nuôi giúp các hộ gia đình Cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế. Nhờ vậy, đến nay đã giảm 77 hộ hội viên nghèo là người dân tộc thiểu số, còn 3 hộ nghèo theo tiêu chí mới (chiếm 0,34%); các cấp hội CCB đã phối hợp với các ban ngành triển khai xây dựng và xóa 19 nhà dột nát cho hội viên nghèo. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến như Hội CCB Phạm Thanh Tuyến (xã Ia Ròng); Phạm Văn Bồn, Lê Văn Toàn (xã Ia Phang); Bùi Sỹ Liên (xã Ia Le)…Cựu chiến binh Phạm Thanh Tuyến-Xã Ia Ròng, huyện Chư Pưh cho biết: “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm. Hai vợ chồng làm hết mọi thứ để nuôi con cái ăn học. Bắt đầu sự nghiệp thì tôi lấy ngắn nuôi dài, hiện nay, gia đình trồng cà phê, tiêu và chăn nuôi thêm dê. Tôi rất mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng để hội viên và người dân có thể làm theo, từ đó phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Với phương châm “Trao cần câu thay vì cho con cá”, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể huyện đã từng bước đổi mới nội dung và phương pháp thực hiện, nổi bật là xây dựng các mô hình điểm về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế, cây, con giống cho bà con như:  triển khai mô hình thí điểm trồng cây chuối xen canh kết hợp chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ ĐBDTTS ở thôn Bêtel… Từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nay nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã biết tận dụng quỹ đất sẵn có, cải tạo vườn tạp để tăng gia sản xuất. Đặc biệt nhiều gia đình đã phát huy hiệu quả sinh kế, nguồn vốn vay do Nhà nước hỗ trợ  nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Anh Ksor Ayel-Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ia Ròng, huyện Chư Pưh cho biết: “Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, trong thời gian qua, Mặt trận đã triển khai mô hình trồng cây chuối xen canh kết hợp nuôi bò, nuôi dê …đến 2 thôn BeTel và Ia Sâm của Ia Ròng. Nhìn chung, cuộc vận động đã mang lại hiệu quả khá, người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, biết cách làm ăn sản xuất chăn nuôi để thoát nghèo bền vững. Trong thời gian tới, UBMTTQ xã tiếp tục phối hợp với UBMTTQ huyện thực hiện cuộc vận động này, nhằm hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số để họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

tong-ket.jpg
Hội nghị tổng kết các mô hình hỗ trợ giảm nghèo
 
Những năm trước đây phương thức sản xuất của bà con còn lạc hậu, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản  xuất nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Từ thực tế đó, huyện Chư Pưh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện địa phương. Cùng với việc chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, huyện đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn người dân lựa chọn phát triển các loại cây, con có lợi thế  trên thị trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân.  Những năm qua, nhiều hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được tiếp cận  nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, thông qua các tổ vay vốn như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Hầu hết các hộ nghèo đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư chăm sóc các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, heo. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nên từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 29,05% đầu năm 2016 xuống còn 3,78% cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 51,75% đầu năm 2016 xuống còn 6,4% cuối năm 2021. Trong 6 năm, giảm 25,27% tỷ lệ hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 4,21%, vượt kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Văn Anh-Trưởng phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Chư Pưh cho biết: “Để thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện trong trong thời gian qua,  Phòng Lao động Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn, căn cứ vào tình hình thực tế và kế hoạch giảm nghèo hàng năm, rà soát, đánh giá, lập danh sách cho từng hộ nghèo đưa ra định hướng, giải pháp cho từng hộ thoát nghèo theo các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo bền vững. Tham mưu UBND huyện củng cố, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành Ban chỉ đạo huyện và các xã, thị trấn, đặc biệt là cán bộ xóa đói giảm nghèo ở các xã, thị trấn. Tổng hợp báo cáo kịp thời giúp cho công tác chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, bám sát với tình hình thực tế để triển khai những mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa phương, tập trung vào các mô hình mới và khả năng nhân rộng cao. Cùng với đó, huyện cũng sẽ thực hiện rà soát nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định danh sách các hộ có khả năng thoát nghèo làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, giải pháp, biện pháp hỗ trợ phù hợp…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện Chư Pưh vẫn còn gặp một số khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo đó là:  một bộ phận người nghèo vẫn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2022 -2025, huyện Chư Pưh đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm trên 2%. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Chư Pưh giai đoạn 2021-2025, đồng thời hằng năm giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm hộ nghèo cho từng xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ, đầu tư đến các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã đặc biệt khó khăn;  tăng cường giám sát, quản lý các nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, tạo việc làm,  đảm bảo các nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác giảm nghèo của huyện. Ông Siu Y Bé-HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Dù đạt một số kết quả quan trọng, tuy nhiên đến nay, Chư Pưh vẫn là huyện còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 14,47% và hộ cận nghèo chiếm 12,99%. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo năm 2022, và các năm tiếp theo, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, trong đó phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của hộ, xác định rõ chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo bền vững”.
Với những giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai, trong đó có sự đánh giá, phát huy các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tin rằng, trong năm 2022 và những năm tới, huyện Chư Pưh sẽ thực hiện có hiệu quả công tác xoá đói, giảm nghèo một cách bền vững./.                         
                                                            Hồng Tuyết-Minh Hải

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 1
Tổng số lượt truy cập: 31
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png