Trang chủ > Tin tức > Tin tổng hợp > Nhức nhối nạn tảo hôn ở vùng xa: Lời ru buồn của những bà mẹ "nhí"

Nhức nhối nạn tảo hôn ở vùng xa: Lời ru buồn của những bà mẹ "nhí"

Ngày đăng bài: 06/09/2015
(GLO)- Bây giờ về các buôn làng ở vùng sâu đời sống người dân đã có nhiều khởi sắc, song cái bóng đen hủ tục của nạn tảo hôn vẫn còn hiện hữu, vẫn diễn ra khá phổ biến, buôn làng nào cũng có. Các cặp vợ chồng trẻ con này “ăn chưa no, lo chưa tới” đang sống trong cảnh túng quẫn, cùng những đứa con còi cọc, nhem nhuốc.

Vợ chồng Rơ Châm Rơn và Rơ Châm Nuch. Ảnh: Đinh Yến

Tại xã Ia Phí (huyện Chư Pah), đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc nhưng lại tiềm ẩn nạn tảo hôn không dễ gì loại bỏ. Đó là những câu chuyện buồn quanh những thiếu nữ chưa kịp lớn nhưng đã là vợ, là mẹ.
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Rơ Châm Laoh, chúng tôi ghé thăm “tổ ấm buồn” của những cặp “vợ chồng nhí”. Căn nhà cấp 4 gần cuối làng Kte là của gia đình anh Rơ Châm Brê (sinh năm 1977) và chị  Rơ Châm Đanh (sinh năm 1982) có con gái là Rơ Châm Uyn (sinh năm 1999) vừa mới bắt chồng khi Uyn mới tròn 16 tuổi. Khi hỏi chuyện con gái bắt chồng sớm, anh Rơ Châm Brê, thở dài: “Đang học bình thường, nó cứ một hai đòi lấy chồng, thầy-cô giáo bạn bè, vợ chồng mình khuyên bảo, nói hết lời, nhưng nó không nghe. Lấy chồng rồi giờ bỏ học đi làm nương rẫy thôi. Mình thương con nhưng hai đứa chúng nó ưng bụng, yêu thương nhau nên đành phải chấp nhận”.
 

 

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 2.641 cặp kết hôn chưa đủ tuổi theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhưng số liệu thống kê này chưa chính xác, bởi chỉ khi con của các cặp “vợ chồng nhí” tới tuổi đi học, họ đến xã làm giấy khai sinh cho con thì xã mới thống kê được. Thực sự đây là một thực trạng buồn, vì hiện chế tài xử lý tảo hôn (dù luật đã quy định) chưa được cụ thể, đồng bộ, chưa có văn bản hướng dẫn mà chỉ phụ thuộc vào hương ước, quy ước của thôn, làng. Việc đăng ký kết hôn muộn hiện chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, cảnh cáo bằng lời nói, nhắc nhở, xử lý hành chính mà thôi.

Nhưng vì tuổi đời còn quá trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, cuộc sống của vợ chồng trẻ con này khiến bố mẹ phải lo lắng. Chị Rơ Châm Đanh, mẹ của Uyn cho biết: Theo phong tục của người Jrai, con gái được quyền bắt chồng. Chúng nói yêu thương, ưng cái bụng nhau lắm, vậy mà mới ở với nhau chưa được 4 tháng đã cãi nhau, giận nhau suốt. Mà cãi, giận nhau chỉ là những chuyện lặt vặt trong cuộc sống, vì cả hai tuổi còn quá nhỏ để lo lắng chuyện đại sự gia đình.

Nghĩ lại những ngày hai đứa tìm hiểu rồi quyết định đến ở với nhau, “cô vợ nhí” Rơ Châm Uyn hối tiếc: “Phải chi lúc đó cháu nghe lời bố mẹ. Bây giờ lấy nhau rồi, cuộc sống gia đình nhiều thứ phải lo lắng, không có việc làm, ngày ngày chỉ quanh quẩn bên mấy gốc cà phê của bố mẹ cho, không có tiền để lo cuộc sống”.

Cũng giống như Rơ Châm Uyn, Rơ Châm Rơn và Rơ Châm Nuch, làng Brep thương nhau khi đang còn là học sinh, khi Nuch đã có thai gần 4 tháng thì gia đình tổ chức cưới.
Nuch mới 17 tuổi đã phải làm mẹ. Khi chúng tôi đến, thấy vợ chồng Nuch đang ở nhà chăm sóc con, nhìn Nuch gầy guộc, đứa con nhỏ thó, chúng tôi hỏi chuyện, em chỉ cười. “Có con rồi cháu thấy vất vả lắm, vài tháng trước đang là học sinh vui sướng bao nhiêu, giờ làm mẹ cháu thấy khổ và khó khăn lắm. Con thức đêm suốt chẳng bao giờ còn được những giấc ngủ ngon, chồng chưa có việc làm, may mà có bố mẹ cháu nuôi”.
Không chỉ ở xã Ia Phí mà các xã như: Ia Hrú (huyện Chư Pưh), Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) và Yang Bắc, Ya Hội (huyện Đak Pơ)… đều là những điểm nóng về nạn tảo hôn hiện nay. Anh Rơ Châm Laoh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phí (huyện Chư Pah), trăn trở: Tính riêng 8 tháng năm 2015, toàn xã đã có 28 cặp vợ chồng tảo hôn. Con gái ở làng cứ 15-16 tuổi là bắt chồng. Nhiều em đang là học sinh trung học cơ sở cứ gặp được thanh niên trong xã ưng cái bụng là nghĩ ngay đến chuyện bỏ học để bắt chồng. Những trường hợp như thế, thường thì gia đình 2 bên chẳng chịu tổ chức đám cưới, cứ mặc tụi nhỏ thương thì ráp lại với nhau mà sống. Dù chính quyền địa phương đã làm đủ mọi cách, tuyên truyền, giáo dục, phối hợp với cả Trung tâm Trợ giúp Pháp lý (Sở Tư pháp) xuống tận làng tuyên truyền, nhưng những buổi tuyên truyền như thế có rất ít em ở lứa tuổi vị thành niên tham dự.

Nguồn Đinh Yến báo Gia Lai

 

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 15
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png