Phát huy vai trò của luật tục Tây Nguyên trong tổ chức, thực hiện pháp luật

Ngày đăng bài: 19/03/2021

Phát huy vai trò của luật tục Tây Nguyên trong tổ chức, thực hiện pháp luật

Tây Nguyên là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Tây Nguyên, đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các cộng đồng Tây Nguyên. Tây Nguyên là địa bàn sinh sống lâu đời của hơn 12 dân tộc thiểu số thuộc hai ngữ hệ khác nhau: Môn - Khơ Me (hay Nam Á) và Malayo-Polynésien (hay Nam Đảo). Chính văn hóa tộc người đa dạng đó là môi trường làm nảy sinh, tồn tại và phát triển của luật tục. Luật tục Tây Nguyên là bộ phận cốt lõi và định hình nhất của văn hóa Tây Nguyên. Nhận thức được tầm quan trọng đó của luật tục, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương ở Tây Nguyên đã kết hợp chặt chẽ giữa luật tục và luật pháp trong quản lý, phát triển xã hội. Luật tục của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có sức sống mãnh liệt, ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào các dân tộc, trong cuộc sống buôn, bon, plây tạo nên tính cố kết cộng đồng ở vùng Tây Nguyên hết sức bền chặt. Luật tục Tây Nguyên cùng với pháp luật là những công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội cộng đồng. Mặc dù trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ vị trí thượng tôn nhưng pháp luật cũng phải tạo điều kiện để luật tục phát triển. Do đó, việc phát huy vai trò của luật tục Tây Nguyên để cùng với pháp luật nhằm quản lý xã hội ở nơi đây là việc hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần khẳng định giá trị tri thức bản địa trong phát triển xã hội theo quan điểm bền vững.
1. Khái quát luật tục Tây Nguyên
“Luật tục là hệ thống các chuẩn mực, các quy ước xã hội được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của mỗi cộng đồng, qua kinh nghiệm trong ứng xử với môi trường và ứng xử xã hội, được truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực hành xã hội, nhằm hướng dẫn, điều chỉnh, điều hòa các quan hệ xã hội người với người, giữa cá nhân với cộng đồng và cộng đồng này với cộng đồng khác”[1]. Luật tục được cả cộng đồng thừa nhận, tạo sự thống nhất và cố kết của mỗi cộng đồng nên luật tục được cộng đồng bảo đảm thực hiện. Người nào làm trái luật tục chẳng những bị xã hội chê cười, dị nghị, lên án, cộng đồng xa lánh mà còn bị chế tài xử phạt. Đó cũng là điểm khác biệt giữa luật tục và phong tục tập quán. Luật tục được hình thành từ phong tục tập quán liên quan trực tiếp tới các mối quan hệ xã hội then chốt, cơ bản.
Cơ cấu xã hội cơ bản của Việt Nam cổ truyền là: Nhà - Làng - Nước. Nếu như Nước có luật pháp (trước đây là phép vua) thì gia tộc, gia đình có “gia phong”, dòng họ có “tộc ước”, làng xã có “hương ước”, lệ làng, bản mường, bon, plây, buôn có “luật mường, luật tục”. Như vậy, luật tục được nảy sinh từ cơ cấu xã hội là buôn, làng. Tách khỏi môi trường buôn, làng thì luật tục sẽ không còn vai trò điều hòa các quan hệ cộng đồng nữa. Tính cộng đồng là nền tảng cơ bản cho sự tồn tại của buôn, làng; nền tảng cho sự ra đời và vận hành của luật tục và hương ước. Ở đó, buôn, làng là một cộng đồng cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm và cùng sở hữu. Điều đó thể hiện sự cố kết, gắn bó chặt chẽ, đoàn kết của cộng đồng buôn, làng. Luật tục và hương ước được coi như là “cương lĩnh tinh thần” của cơ cấu buôn, làng của các dân tộc ở Việt Nam. Buôn, làng chính là hiệu lực theo không gian của luật tục và hương ước. “Đối với các dân tộc thiểu số, Nhà nước phong kiến không thiết lập hệ thống “trực trị” mà thông qua bộ máy quản lý truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi vùng mà chi phối các dân tộc hay vùng dân tộc đó”[2]. Đó là điều kiện thể hiện sức sống lâu dài, mãnh liệt cũng như vai trò quan trọng, không thể thiếu của luật tục và hương ước trong điều hòa các quan hệ cộng đồng buôn, làng.
Luật tục ở mỗi dân tộc có tên gọi riêng. Luật tục bao gồm luật truyền miệng của các dân tộc thiểu số ở miền núi và hương ước của người Việt ở miền xuôi. Luật tục Tây Nguyên là hình thức luật tục phổ biến ở các tộc người Tây Nguyên. Ngoài các đặc điểm của luật tục nói chung[3] thì luật tục Tây Nguyên có một số đặc trưng cơ bản sau:
- Về hình thức, luật tục Tây Nguyên tồn tại dưới dạng “lời nói vần” được tư duy và thể hiện bằng các hình ảnh cụ thể. Nhiều câu nói vần hợp thành một điều luật và nhiều điều luật hợp thành một bộ luật tục. Người Tây Nguyên lấy hình ảnh tự nhiên để nói về con người. Chính lời nói vần điệu, cách triết lý, so sánh đầy hình ảnh giúp người ta dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Ví dụ: Để nói về người xử kiện, Luật tục M’nông có cách ví von: “Hai bên hòn đá, cá trê bơi giữa. Hai bên ngọn lúa, cây nêu đứng giữa. Bên gió bên bão, chiếc diều bay giữa” (Người xử kiện phải mềm dẻo như thân con cá trê, phải vượt cao lên như ngọn cây nêu, phải thăng bằng như cánh diều trước gió bão).
- Về phạm vi điều chỉnh, luật tục Tây Nguyên có phạm vi điều chỉnh khá rộng. Ví dụ: Luật tục Êđê có 236 điều, 11 chương là 11 vấn đề khác nhau (Những quy định chung về hình phạt và các tội; những vấn đề xúc phạm đến người đầu làng; cái tội của người đầu làng; các vi phạm lợi ích cộng đồng; hôn nhân; quan hệ cha mẹ - con cái; tội gian dâm; các trọng tội; của cải và tài sản; tội gây thiệt hại cho người và trâu bò; đất đai và chủ đất). Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, luật tục Tây Nguyên chỉ có hiệu lực trong không gian buôn, bon, plây. Trong khi đó, pháp luật có hiệu lực trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định.
- Về cách thức giải quyết bất đồng, tranh chấp của luật tục Tây Nguyên mang những nét riêng đáng chú ý. Trong cộng đồng buôn, bon, plây hay giữa các buôn, bon, plây, khi có việc gì khúc mắc và xích mích giữa các cá nhân, trước mắt, hai bên tự dàn xếp, bên có lỗi thì nói lời xin bên kia tha thứ, châm chước, còn bên kia cũng sẵn lòng bỏ qua, khôi phục hòa khí tốt đẹp trong buôn, bon, plây. Nếu không thỏa thuận được thì đưa ra buôn, bon, plây xét xử: “Sự việc nhỏ tụ tập ngay tại nhà phân xử. Sự việc to, vụ lớn mới đưa tới làng” (Luật tục Raglai). Mỗi buôn, bon, plây có người già chuyên xử kiện, vì họ là người có uy tín và thông thuộc luật tục. Cộng đồng của bên nguyên và bên bị cùng tham gia. Họ tới ngồi nghe, tranh luận, bênh vực cho người thuộc cộng đồng mình. Nếu bị thua, họ sẵn sàng đóng góp tiền bạc, của cải để đền bù cho bên kia. Do người Tây Nguyên lấy hình ảnh tự nhiên nói về con người nên yếu tố thần linh, tín ngưỡng rất quan trọng trong việc xét xử ở Tây Nguyên. Theo quan niệm của nhân dân, kẻ có tội trước hết là xúc phạm tới thần linh nên phải tạ tội bằng nghi lễ hiến tế (trâu, lợn, vịt, chó…); hình phạt nặng nhất đối với kẻ phạm tội là đuổi ra khỏi cộng đồng. Hơn nữa, không khí thiêng liêng cũng khiến con người dễ hòa giải hơn, góp phần tạo nên sự hòa hữu thực sự, tránh mọi xung đột, va chạm về sau. Vì vậy, cách thức giải quyết này vẫn còn những giá trị nhất định, được gìn giữ lâu dài.
2. Thực trạng vai trò của luật tục Tây Nguyên trong tổ chức, thực hiện pháp luật
Luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội cộng đồng buôn, bon, plây. Trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ vị trí tối thượng. Pháp luật trở thành công cụ hàng đầu, quan trọng và có hiệu quả nhất, là công cụ không thể thay thế để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Luật tục là một bộ phận nằm trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự chỉ đạo và chi phối của pháp luật. Nội dung của luật tục không được trái với pháp luật, hơn thế nữa, luật tục phải theo tinh thần của pháp luật. Do đó, luật tục không thể thay thế pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội. Luật tục có vai trò phối hợp, hỗ trợ pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo nên sự ổn định và phát triển của cộng đồng buôn, bon, plây.
Luật tục Tây Nguyên đề cập đến những lĩnh vực xã hội và văn hóa rất rộng, như quan hệ con người với tài nguyên môi trường, các quan hệ cộng đồng, quan hệ hôn nhân và gia đình… Cho tới nay, về cơ bản, luật tục vẫn là cơ sở để quản lý và hòa giải các quan hệ xã hội nhưng phạm vi điều chỉnh và nội dung đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, những vấn đề phức tạp như tranh chấp liên quan tới rừng, đất đai, tài nguyên… trước kia thuộc phạm vi điều chỉnh của luật tục thì nay chuyển sang cho chính quyền địa phương hoặc Tòa án. Luật tục ngày nay chỉ là cơ sở để hòa giải các quan hệ xã hội mang tính chất dân sự và bảo tồn các thuần phong mỹ tục, các nghi lễ trong phạm vi buôn, bon, plây. Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán…”. Điều này càng khẳng định vai trò của luật tục trong việc tham gia vào hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội dân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng tập quán cũng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Sở dĩ luật tục Tây Nguyên vẫn có vai trò hỗ trợ, phối hợp với pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội ở cộng đồng Tây Nguyên là bởi pháp luật dù phát triển tới đâu cũng không thể điều chỉnh được tất cả các quan hệ xã hội, nhất là ở buôn, bon, plây; Tây Nguyên là địa bàn có nhiều cộng đồng tộc người thiểu số sinh sống, nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, còn pháp luật với tính chất quy tắc xử sự chung với phạm vi điều chỉnh tới cấp xã, không phải lúc nào cũng thích ứng và phù hợp với những đặc thù tộc người, phạm vi buôn, bon, plây; bên cạnh đó, xã hội càng phát triển thì tính chủ động tự quản của con người cần được phát huy, do vậy, bên cạnh pháp luật, luật tục với tư cách là các quy tắc xử sự mang tính tự quản, đã đáp ứng được nhu cầu con người trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, hiện nay, luật tục Tây Nguyên đang gặp những thách thức làm ảnh hưởng tới vai trò hỗ trợ, phối hợp với pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội:
- Hiện nay, tại khu vực Tây Nguyên có nhiều dân tộc cùng chung sống, gồm dân tộc bản địa và dân tộc từ nơi khác đến. Sự xáo trộn cuộc sống, pha tạp văn hóa làm cho luật tục Tây Nguyên ngày càng bị lãng quên, không được coi trọng trong thực tế.
- Luật tục Tây Nguyên có phạm vi điều chỉnh trong một buôn, bon, plây. Các buôn, bon, plây không còn là xã hội biệt lập nữa mà đã từng bước hòa nhập vào hệ thống chung, rộng lớn, có nhiều tộc người cùng cư trú, sinh sống. Do đó, việc sử dụng luật tục để điều chỉnh các quan hệ dân sự của tất cả mọi người với nhiều tộc người khác nhau là một việc hết sức khó khăn.
- Mặt trái của nền kinh tế thị trường, hiện tượng đạo đức xuống cấp, vi phạm pháp luật nghiêm trọng có xu hướng tăng lên, điều này dẫn đến việc xét xử hay chế tài của luật tục không còn phù hợp và chưa phát huy được hiệu quả.
- Những kinh nghiệm quản lý cộng đồng của luật tục thường gắn liền với thế hệ người già cả, tuy có uy tín trong cộng đồng nhưng do vấn đề tuổi tác nên thường khó trong việc tiếp thu những yếu tố mới, vận dụng trong việc kết hợp giữa pháp luật và luật tục. Còn thế hệ trẻ thì nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới nhưng lại chưa có kinh nghiệm trong việc ứng dụng luật tục vào việc quản lý cộng đồng.
 3. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của luật tục Tây Nguyên trong tổ chức, thực hiện pháp luật
Một là, luật tục Tây Nguyên có hiệu lực trong phạm vi không gian buôn, bon, plây. Pháp luật có hiệu lực trong không gian nhỏ nhất là cấp xã. Luật tục chỉ phát huy tác dụng ổn định trật tự, duy trì bản sắc văn hóa của tộc người đó trong phạm vi buôn, bon, plây. Còn ngay cả toàn thể cộng đồng dân tộc người đó thì luật tục cũng chưa thể điều chỉnh được. Do đó, theo tác giả, không nên đặt vấn đề pháp luật hóa luật tục để áp dụng chung cho toàn xã hội. Chúng ta nên nâng cao nhận thức về giá trị tích cực, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật đối với luật tục, để từ đó, vận dụng luật tục trong giáo dục việc thực hiện pháp luật cho người dân tộc thiểu số. Khả năng nhận thức pháp luật của người dân tộc thiểu số đang còn rất nhiều hạn chế, nếu chúng ta biết sử dụng lời nói vần điệu, ngôn ngữ hình ảnh thiên nhiên gần gũi của luật tục để giáo dục người dân tộc thiểu số thực hiện pháp luật thì sẽ rất hiệu quả. Chẳng hạn, Điều 109 Luật tục Êđê coi trọng việc vợ chồng kết hôn, ăn ở bền vững, không được bỏ nhau: “Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết; đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt; đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại”. Có thể vận dụng điều này của luật tục để giáo dục thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng.
Hai là, ở Việt Nam, chính quyền được tổ chức đến cấp xã, còn ở buôn, bon, plây có các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tự quản cùng tham gia quản lý xã hội. Cá nhân làm trong các tổ chức này chính là những người bản địa. Do đó, cần phát huy vai trò những tổ chức này trong việc vận dụng luật tục để quản lý cộng đồng; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cả về nhận thức giá trị luật tục và hiểu biết pháp luật đối với những người làm trong các tổ chức này, những người già, người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, đào tạo một tầng lớp trí thức là con em dân tộc ở Tây Nguyên để phát triển đội ngũ kế cận, vì chính họ sẽ là những lực lượng tiên phong, tận tụy, kiên trì và sẽ tạo độ tin cậy cao đối với cộng đồng của chính họ. 
Ba là, luật tục Tây Nguyên là văn hóa của người dân tộc thiểu số tại đây. Khi thực hiện luật tục, dựa trên nguyên tắc tự nguyện của mỗi cá nhân, coi đó như là lương tâm, tình cảm, trách nhiệm, đạo đức của mỗi con người. Ở luật tục, không có nguyên tắc đa số lấn át thiểu số mà là sự cùng đồng thuận, cùng chấp nhận và cùng thực hiện. Do đó, chúng ta nhận thức rằng, luật tục là một hình thức văn hóa pháp luật, cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục những giá trị tích cực của luật tục, thông qua nhiều không gian, diễn đàn dành cho người dân tộc thiểu số, để họ phát huy quyền làm chủ của mình trong cộng đồng. Từ đó, mới phát huy vai trò của luật tục để hỗ trợ, phối hợp với pháp luật trong quản lý xã hội cộng đồng buôn, bon, plây ở Tây Nguyên.
Việc vận dụng hệ thống tri thức bản địa thông qua luật tục không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà còn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tác động của luật tục là khách quan, không thể phủ nhận, do vậy, chúng ta cần phát huy tốt vai trò của luật tục trong đời sống xã hội hiện nay, góp phần tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu lực, hiệu quả ở các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Để pháp luật thực sự là công cụ tối thượng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, điểu chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội, phát triển toàn diện Tây Nguyên trong thời kỳ quá độ, đổi mới thì cần phát huy vai trò của luật tục.
      ThS. Dương Văn Quý
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND xã Ia Hru- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Xã Ia  Hru- Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Thái Nghiêm- CT UBND xã

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn

 

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 21
Số người on-line: 1
Copyright © 2017
icontop.png