15-20.png
 
 

 

THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC  GIAI ĐOẠN 2010-2015

 
          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) trong bối cảnh tình hình khu vực và trên thế giới có những diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Trên địa bàn xã thời tiết không thuận lợi, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu xảy ra nhiều chưa có biện pháp khắc phục, giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; an ninh chính trị luôn tiểm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là hoạt động phục hồi FULRO, “Tin Lành Đêga”, người đồng bào dân tộc thiểu số trốn đi Campuchia, Thái Lan;  an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội diễn biến khó lường.
Nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, cơ bản thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII đã đề ra:
I- NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC
1-Kinh tế
Kinh tế phát triển khá, đúng định hướng. Tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định 2010) đến năm 2015 là 326,425 tỷ đồng, so với nghị quyết đề ra tăng 126,425 tỷ đồng, vượt 163,2%; trong đó nông lâm nghiệp 149,349 tỷ đồng, đạt 136,6%, công nghiệp xây dựng 79,073 tỷ đồng, đạt 140,1%, thương mại dịch vụ 98,002 tỷ đồng đạt 369,7%. Cơ cấu kinh tế (GO chung) đến năm 2015: Nông lâm nghiệp đạt 55.3%, công nghiệp xây dựng-TTCN 24.6%, thương mại dịch vụ 20.1%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm năm qua là 11,63%. Trong đó: năm 2010 là 11,54%, năm 2011 là 11,66%, năm 2012 là 11,35%, năm 2013 chỉ đạt 10,30%, năm 2014 đạt 11,42%, đến năm 2015 là 13,43%. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm không có biến động mạnh theo giá cố định 2010.
Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 (theo giá hiện hành) là: 36.400.000 đồng so với nghị quyết tăng 18.130.000 đồng, đạt 199.12% (Nghị quyết Đại hội là 18.270.000đồng).
- Sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, chuyển dịch đúng hướng. Tổng diện tích gieo trồng đến 2015 là 2399.2 ha, tăng 590,5 ha so với năm 2010 đến, đạt 129,5% so với Nghị quyết đề ra. Trong đó: Diện tích cây lương thực 664,9 ha đạt 100,7% KH huyện, 97,4 % KH xã; cây tinh bột có củ 162,8 ha đạt 142.8% KH huyện, 110,2% KH xã; cây thực phẩm: 339 ha đạt 116.9% KH huyện; 92.6 % KH xã; ây công nghiệp ngắn ngày 158,1 ha đạt 115 % KH huyện, 60 % KH xã; cây ăn quả: 48.7 ha đạt 81% KH huyện, 324 % KH xã. Cây công nhiệp dài ngày 1.077,2 ha đạt 132% (cà phê 118 ha, hồ tiêu 324,5 ha, cao su 541,2 ha, điều 99,9 ha). Tổng sản lượng lượng thực quy thóc đến năm 2015 đạt 3.498,6 tấn, bình quân lương thực đầu người ước đến 2015 là 304,517 kg/người/năm.
- Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, công tác phòng chống dịch được tăng cường nên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm bình quân trong 5 năm qua là 15.748 con, đạt 129,081% so với nghị quyết. Trong đó: Đàn gia súc 6.792 con tăng 1.058 con, riêng đàn trâu 189 con, đàn bò 3.626 con, heo 2.209 con, dê 650 con. Tổng đàn gia cầm 8.979 con, tăng 1.326 con.
- Công tác quản lý bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo nên đã từng bước hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Hoàn thành công tác kiểm kê rừng, đến nay diện tích rừng còn lại là 2.372,64 ha. Hoàn thành thủ tục chi trả diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng 178,8 ha.
- Việc quản lý đất đai từng bước đi vào nề nếp.  Đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2015 và 2015-2020. Tổng diện tích tự nhiên 12.544,73 ha, trong đó đất nông nghiệp là 11.648,30 ha, đất chuyên dùng 261,32 ha, đất ở 53,99 ha, đất chưa sử dụng 429,48 ha. Trong 5 năm qua đã  đo đạc lập bản đồ đất sử dụng 512 hồ sơ; thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 635 hồ, chủ yếu đất nông nghiệp, phối hợp quy hoạch đất tại thôn Ia Bia, đất dốc Kênh Mét, đất dốc xe ca, rà soát đo đạc cấp bìa đỏ các hộ đang còn sót, tham mưu về lĩnh vực lấn chiếm đất đai và tranh chấp đất đai không để biến động xảy ra. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân có nhiều cố gắng, đã cấp thêm 246 hồ sơ cho 212 hộ, với diện tích 1.272.097 m­2,  nâng tổng số hộ dân đã cấp đến nay là 1.847 hộ, với 2.015 giấy, tổng diện tích 1.812,5 ha.
            - Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục có bước phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa ph­ương. Địa bàn xã có đường QL14 đi qua nên thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa và mua bán, chợ đã được nâng cấp và hoạt động đi vào nề nếp, các ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển ở mức độ khá, dịch vụ mua bán ngày càng nhiều nên hàng hóa nông sản làm ra đã có nơi tiêu thụ; có 19 xe khách phục vụ đi lại của nhân dân; 99% gia đình có điện thoại, bưu điện văn hóa luôn đáp ứng nhu cầu liên lạc cho mọi người. Các ngân hàng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của nhân dân với số tiền 311,4 tỷ đồng; trong đó: Ngân hàng NN&PTNT 122,8 tỷ, Ngân hàng Đầu tư và phát triển 109,1 tỷ, Ngân hàng Công thương 59,7 tỷ, Ngân hàng chính sách xã hội 19,8 tỷ đồng.
            - Vốn đầu tư xây dựng cơ bản liên tục tăng qua các năm, tập trung cho phát triển, mở rộng lưới điện, thuỷ lợi, đường giao thông nông thôn, các chương trình đầu tư cho các thôn đặc biệt khó khăn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2015 là 134,541 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 33,635 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Chương trình 135 đã đầu tư  5,2 km đường nhựa hóa; chương trình WB 5,06 km nhựa hóa; vốn trái phiếu chính phủ 0,5 km; vốn xây dựng nông thôn mới theo chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm 8,6 km bê tông hóa và cứng hóa bằng cấp phối. Đã đầu tư xây dựng thủy lợi Ia B lứ 4, với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng, phục vụ tưới tiêu cho các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày và sản xuất lúa đông xuân hàng năm. Hầu hết các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đầu tư đưa vào khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
- Thu, chi ngân sách được quan tâm chỉ đạo thường xuyên; trong 5 năm qua, tổng thu ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm 5,38 tỷ đồng; trong đó: Thu tại địa bàn bình quân 1,3 tỷ đồng/năm. Tổng chi ngân sách 4,2 tỷ đồng/năm. Công tác thu, chi ngân sách đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.
- Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nên đến nay đã đạt được 14/19 tiêu chí, bao gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch (tiêu chí số 1), Thủy lợi Ia Blứ 4 (Tiêu chí số 3), Điện nông thôn Tiêu chí số 4),-Thu nhập bình quân đầu người (Tiêu chí số 10), Bưu điện (Tiêu chí số 8), Cơ cấu lao động (Tiêu chí số 12), Tiêu chí Y tế (Tiêu chí số 15), Văn hóa (Tiêu chí số 16), AN-TTXH (Tiêu chí số 19), Giáo dục (Tiêu chí số 14), Chợ nông thôn (tiêu chí số 7),  Giao thông (Tiêu chí số 02), Trường học (Tiêu chí số 5), Môi trường (Tiêu chí số 17). Có 2 tiêu chí đạt trên 50% nhưng chưa đạt tiêu chí chung về xây dựng nông thôn mới: Nhà ở dân cư (Tiêu chí số 9), Hệ thống chính trị vững mạnh (Tiêu chí số 18). Còn 3 tiêu chí chưa đạt: Cơ sở vật chất văn hóa (Tiêu chí số 6), Tỉ lệ hộ nghèo (Tiêu chí số 11): hiện còn 10,59%, Hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã (Tiêu chí số 13)
          2- Văn hóa-xã hội
- Sự nghiệp giáo dục luôn được đầu tư phát triển về cơ sở vật chất; chất lượng dạy và học từng bước hiện đại và nâng lên đáng kể. Hiện nay xã có 4 trường, một phân hiệu trường THPT, hai cơ sở lớp mầm non tư thục với 3.545 học sinh. Tổng số giáo viên: 181 giáo viên, trong đó có 23 giáo viên dân tộc thiểu số; có 72 phòng học với 101lớp. Tổng số học sinh tốt nghiệp: THCS 151 em, đạt 100%; THPT 112/114 em đạt   98,24 %. Tỉ lệ học sinh bỏ học: 0,2%. Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường: 99% , duy trì sỉ số học đến cuối năm học đạt 98%.
- Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao có bước phát triển mới, hướng mạnh về thôn làng, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay có 11/15 thôn, làng công nhận văn hóa chiếm 73,33%, có 1.755 hộ gia đình văn hóa chiếm 75,22%, tăng 644 gia đình so với năm 2010, một số làng dân tộc thiểu số vẫn còn  lưu giữ 5 cồng chiêng, tham gia các hội thi văn hóa cồng chiêng của huyện. Toàn xã có 99% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn, 5/15 thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng để hội họp.
- Công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn  dưới 15%, không giảm so với đầu nhiệm kỳ; 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đến nay tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trên toàn xã đạt 80%, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đủ liều đạt 100%, phụ nữ mang thai tiêm uốn ván đạt 100% ,trong nhiệm kỳ qua kiểm soát được tình hình bệnh sốt xuất huyết, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; các chương trình y tế quốc gia triển khai có hiệu quả. Xây dựng Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia tháng 12 năm 2010; hiện nay có 01 bác sỹ, 2 y sỹ, 1 dược sỹ, 1 điều dưỡng, 2 nữ hộ sinh, các thôn, làng điều có y tế thôn và cộng tác viên dân số. Thực hiện tốt chương trình quốc gia về dân số, kế hoạch hóa gia đình,  năm 2010 là 9.955 người, đến cuối năm 2014 có 2.333 hộ 11.516 người  tăng 1.561 người tỉ lệ tăng dân số 2,71%  tăng tự nhiên:1,80 %, tăng cơ học 0,91%.
- Công tác đền ơn đáp nghĩa và thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm đúng mức, thực hiện chi trả trợ cấp kịp thời, đúng đối tượng. Từ năm 2011 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở, đã xây dựng 51 ngôi nhà 167 cho hộ nghèo,  vay vốn ngân hàng CSXH 19.080.080.210đ, cấp gạo, muối, phân bón và giống cây trồng, bò giống cho hộ nghèo và đồng bào DTTS, thôn làng đặc biệt khó khăn đúng quy. Hàng năm tổ chức bình xét lại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thóat nghèo, dân chủ, công khai đúng quy trình, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hiện nay trên địa bàn xã còn 247 hộ nghèo chiếm 10,59%; cấp 4.846 thẻ BHYT cho hộ nghèo, DTTS, trẻ em dưới 6 tuổi. Thường xuyên chăm lo đời sống các gia đình chính sách, thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, hàng năm các ngày lễ tết đều tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Xây mới 3 nhà và sữa chữa 1 nhà cho gia đình thân nhân liệt sĩ; xây mới 1 nhà cho đối tượng thương binh.  Xây  dựng 3 nhà tình thương, 10 nhà đại đoàn kết, 2 nhà cho hộ nghèo vốn từ ngân hàng Công thương hỗ trợ, vận động các tổ chức từ thiện cấp 17 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, 2 đợt tặng quà và khám chữa bệnh cấp thuốc miễm phí cho người nghèo
- Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng và có chuyển biến trên nhiều mặt; việc bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có 4 công trình giếng khoan.
 - Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được tôn trọng. Đại đa số đồng bào có đạo thực hiện tốt nhiệm vụ công dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước và các quy định của địa phương, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
3-Quốc phòng- an ninh
          3.1-Về quốc phòng-quân sự địa phương
          Quán triệt triển khai đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng bộ cấp trên. Thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; thực hiện tốt các chỉ tiêu xây dựng lực lượng dân quân hàng năm điều đạt và vượt từ 0,83% đến 1,3% so với dân số toàn xã; đăng ký độ tuổi 17, 18-25 độ tuổi theo pháp lệnh đúng quy định; 5 năm qua giao quân được 64 thanh niên đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch; đón tiếp chu đáo 87 quân nhân xuất ngũ về địa phương. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng dân quân, dự bị động viên trong huấn luyện và hàng tháng và hàng quý. Kết quả huấn luyện hàng năm huy động quân số tham gia đạt 98%, kết quả huấn luyện qua kiểm tra đạt loại khá giỏi trở lên. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, phối hợp làm tốt công tác hậu phương quân đội, trong nhiệm kỳ qua đã kết nạp được 7 đảng viên trong lực lượng dân quân; công tác chi trả chế độ theo pháp lệnh và quản lý vũ khí trang bị đúng theo quy định. Phối hợp chi trả đối tượng chính sách thuộc đối tượng 290 là 21 đối tượng; đối tượng 142 là 9 đối tượng, đối tượng 62 là 49 đối tượng và đang làm hồ sơ 62 là 51 hồ sơ.
3.2- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
- Tình hình an ninh chính chính trị trên địa bàn xã luôn diễn biến phức tạp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay trên địa bàn xã  FULRO thường xuyên chỉ đạo bên trong tái hoạt động “Tin lành Đêga”, xây dựng cơ sở ngầm FULRO ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số như Puối A, Puối B, Kênh săn, Kênh Hmék. Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị bám làng cùng với các cơ quan chức năng cùa huyện, của tỉnh bóc gở, ngăn ngừa 1 khung Fulro và 2 khung “TLĐG”  với 75 đối tượng, đề nghị cấp trên khởi tố 3 đối tượng cầm đầu, đã phá 01 đường dây trốn đi Thái Lan, Campuchia, trong nhiệm kỳ qua có 62 đối tượng đã trốn sang Thái Lan. Thường xuyên phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở các thôn, làng,  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn phản động của các thế lực thù địch, bọn phản động FULRO, “Tin lành Đêga” để nhân dân hiểu biết không mắc mưu kẻ xấu; từ đó nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nên an ninh chính trị cơ bản được đảm bảo và giữ vững.
- An ninh nông thôn có lúc diễn biến phức tạp, nhất là tranh chấp đất đai, phá rừng làm nương rẫy, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép. Đặc biệt là vụ việc nhân dân 3 làng Kênh Săn, Kênh Mét, Kênh Ia Tong tổ chức phá rừng trái phép để làm nương rẩy tại tiểu khu 1130 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn, vụ dân xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo, tỉnh Đăk Lăk, gồm 39 hộ chiếm đất rừng của Công ty Trường Thịnh khoảng 118 ha, vụ 23 hộ dân xã Ia Bia huyện Phú Thiện lấn chiếm khoảng 50 ha; nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của của huyện và sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị của xã tập trung giải quyết nên tình hình cơ bản ổn định. Tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp tuy có giảm nhưng chưa triệt để, vẫn còn một số bộ phận nhân dân khiếu kiện về đất đai quy hoạch của xã ở dốc Kênh Hmék và dốc xe ca.
            -  Thường xuyên chỉ đạo các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ động công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân được 43 đợt có 3.180 lượt người tham gia. Tổ chức phối hợp lực lượng công an huyện điều tra xử lý 32 vụ việc hình sự xảy ra trên địa bàn; đưa 02 đối tượng đi trường giáo dưỡng; phát hiện 2162 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt nộp ngân sách 350 triệu đồng.
- Công tác tiếp dân được thực hiện đúng quy định, đã tiếp được 560 lượt công dân, đến thắc mắc phản ánh, chủ yếu trên các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, tư pháp hộ tịch và các lĩnh vực khác; đã kịp thời giải quyết, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để khiếu kiện vượt cấp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; thường xuyên thực hiện đồng bộ các giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai hoạt động trong đơn vị, chuyển đổi vị trí công tác nên chưa có trường hợp nào bị xử lý về hành vi tham nhũng, lãng phí. Công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật thực hiện đúng quy định của pháp luật, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, thu hút được nhiều lực lượng tham gia.
4-Xây dựng hệ thống chính trị
          4.1-Về xây dựng Đảng
            - Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên; làm tốt việc tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng cấp trên, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và địa phương, triển khai việc“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đến cán bộ, đảng viên, từ đó tạo được sự thống nhất về nhận thức tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, ý chí tự lực tự cường, năng lực sáng tạo và nâng cao cảnh giác cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; khơi dậy truyền thống đoàn kết, tính tiên phong gương mẫu trong cán bộ đảng viên; vận dụng đúng đắn các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đã mở 18 lớp cho hơn 129 lượt cán bộ, đảng viên học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nghe thời sự.
- Công tác tổ chức và cán bộ luôn được chú trọng, thực hiện đúng quy trình về công tác cán bộ, bố trí vào các chức danh chủ chốt của Đảng, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể, các ngành thuộc ủy ban nhân dân. Trong nhiệm kỳ qua đã tiếp nhận 01 công chức kế toán, 01 tư pháp, 01 xã đội phó, cán bộ thương binh xã hội và địa chính nông nghiệp, cán bộ văn hóa; hầu hết các chức danh được bố trí đều phát huy được khả năng nhiệm vụ theo yêu cầu; xét đề nghị cử đi đào tạo trung cấp chính trị tại tỉnh Gia Lai 16 đồng chí, đi học đại học 03 đồng chí và tự học đại học để nâng cao trình độ 04 đồng chí, trung cấp 04 đồng chí và nhiều đồng chí học sơ cấp lý luận chính trị.
- Nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chi bộ được coi trọng, nội dung và phương thức sinh hoạt Đảng được đổi mới phù hợp với tình hình thực tế, chất lượng sinh hoạt Đảng được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm chỉ đạo; năm 2010 Đảng bộ có 72 đảng viên, trong nhiệm kỳ qua đã kết nạp 46 đảng viên mới, đạt 100% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xóa 03 thôn, làng trắng đảng viên, đạt 100% so với nghị quyết đề ra. Hiện nay Đảng bộ xã có 107 đảng viên,18 chi bộ trực thuộc, trong đó có 14 chi bộ thôn, làng, và 03 chi bộ trường học; 01 chi bộ Quân sự.
          - Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng thường xuyên được chú trọng, việc xây dựng chương trình, kế hoạch đảm đảo đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên. Ngoài việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên theo Quy đinh của Điều lệ Đảng; trong nhiệm kỳ qua Ủy ban kiểm tra Đảng ủy tiến hành kiểm tra 04 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; đã đề nghị xóa tên trong danh sách 02 đảng viên (đảng viên thuộc chi bộ thôn Phú Bình và chi bộ thôn 6), đề nghị cấp ủy  cấp trên thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo 01 đảng viên và khiển trách 01 đảng ủy viên, thi hành kỷ luật cảnh cáo 02 đảng viên và khiển trách 03 đảng viên.
          - Công tác dân vận có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động từ cấp ủy đến chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được nâng lên. Đã cũng cố kiện toàn 15 ban công tác Dân vận và thường xuyên chỉ đạo giải quyết có hiêu quả các vụ việc mới phát sinh tại thôn, làng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân kịp thời phản ánh cấp trên giải quyết; triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ tại cơ sở, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân.
          4.2- Xây dựng chính quyền
- Hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên thông qua các kỳ họp của Hội đồng nhân dân; hoạt động tiếp xúc cử tri từng bước được đổi mới, qua đó kịp thời lắng nghe và phản ánh các ý kiến kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời cho cử tri; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào những vấn đề được cử tri quan tâm; vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân được phát huy; chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được nâng lên, phát huy được vai trò trách nhiệm của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
- Công tác xây dựng Chính quyền đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất. Hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền có sự chuyển biến tích cực, có sự đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Đội ngũ cán bộ, công chức từ xã đến thôn từng bước được trẻ hóa, có kiến thức và năng lực công tác; chất lượng cán bộ từng bước được nâng cao, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc thể chế hoá các Nghị quyết, chủ trương của Đảng trong quản lý, điều hành, sát với tình hình thực tế, gần dân hơn, cơ chế một cửa hoạt động hiệu quả hơn, việc tiếp dân hàng tuần được chú trọng.
          4.3- Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
- Tập trung củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đến nay 100% thôn, làng đều có tổ chức quần chúng. Trình độ, năng lực và trách nhiệm của cán bộ Mặt trận, các đoàn thể được nâng lên; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác mặt trận, các đoàn thể được chú trọng; hạn chế được hành chính hóa, hình thức trong hoạt động và đạt được một số kết quả thiết thực ngay tại cơ sở.
- Phong trào hành động cách mạng của quần chúng được phát động rộng rãi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là các phong trào thi đua yêu nước, đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo... tạo điều kiện cho các gia đình chính sách, gia đình người nghèo có cuộc sống ổn định, mang lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong nhiệm kỳ đã vận động xây dựng quỹ Vì người nghèo được 148.000.000đ, trong đó huyện hỗ trợ 10.000.000đ, xây dựng và sữa chữa 05 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho các dối tượng chính sách. Vận động và làm tốt công tác hậu phương quân đội, với số tiền vaank động từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 74.000.000đ mua sổ tiết kiệm và tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ
- Thông qua các hoạt động tập hợp thu hút quần chúng, Mặt trận, các đoàn thể đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống; củng cố vững chắc sự thống nhất về tư tưởng và hành động, không ngừng tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
- Hoạt động xây dựng chính quyền cuả Mặt Trận và các đoàn thể ngày càng được thể hiện được rõ nét hơn trong thực hiện theo quy định 217, 218 của Bộ chính trị, đặc biệt là hiệp thương bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân và hiệp thương bầu cử thôn trưởng theo thông tư liên tịch 09/BNV-UBMTTQTW của Bộ nội vụ, dân chủ và đúng quy định
5- Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc thực hiện Chỉ tị số 03 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được những kết quả quan trọng
-Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đảm bảo đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên. Đảng bộ xã, các Chi bộ trực thuộc Đảng ủy đã thực hiện nghiêm túc, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương và chỉ đạo, định hướng của Huyện ủy. Sau kiểm điểm đã xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa khắc phục khuyết, đến nay đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không nể nang, né tránh, từng đảng viên đều nhận rõ trách nhiệm, vị trí đang đảm nhiệm, có kế hoạch phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm dưới sự giám sát chặt chẽ của tập thể, ngăn chặn tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; bổ sung quy chế làm việc của Ban chấp hành, thực hiện nguyê tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và vai trò của đứng đầu. tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của toàn dân.
- Thực hiện Chỉ tị số 03- CT/TW ngày 14/4/2011 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị để triển khai trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân từ xã đến thôn, làng; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc viết sổ tay “làm theo gương Bác” quán triệt mỗi chuyên đề khác nhau của từng năm, đã có sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ đảng viên, công chức, và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Qua học tập cán bộ đảng viên đã phát huy rõ vai trò gương mẫu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và nêu cao tinh hần trách nhiệm về ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, chấp hành giờ giấc làm việc và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
II- Những yếu kém, hạn chế
1- Kinh tế phát triển chưa tương xứng đối với  điều kiện xã có diện tịch rộng, dân số đông, tăng trưởng chưa ổn định và bền vững; tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn cao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, nâng giá trị sản phẩm trên diện tích gieo trồng vẫn còn hạn chế, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã. Tình trạng dân di cư tự do đến địa bàn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử đất còn bất cập.
2- Đổi mới toàn diện giáo dục hiệu quả còn thấp, duy trì sĩ số học sinh không bền vững, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường để giáo dục toàn diện học sinh chưa đúng mức, Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng với nhu cầu hiện nay. Trạm Y tế xã chưa được nâng cấp, nên việc khám và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao còn thiếu thốn nên việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận nhân dân chưa sâu rộng; tệ nạn số đề, tệ nạn xã hội khác chưa được đẩy lùi. Công tác xóa đói giảm nghèo chậm, số hộ đói nghèo còn 247 hộ chiếm 10,59%, tỷ lệ còn cao, vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở một số thôn, làng ỷ lại, trông chờ vào chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.
3- Chất lượng chính trị, độ tin cậy, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân, dự bị động viên chưa cao. Hoạt động phục hồi FULRO, “Tin lành Đêga”, người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; công tác nắm tình hình và quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng chưa hiệu quả; tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân với các doanh nghiệp xảy ra nhiều; hoạt động của các tôn giáo có biều hiện lất lướt chính quyền, vi phạm pháp luật; đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm không đáng kể; công tác quản lý tạm trú, tạm vắng còn lỏng lẻo; hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được phát huy; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị để làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội chưa được phát huy, có lúc còn khoán trắng cho lực lượng công an, xã đội. Tình hình tôn giáo còn cơi nới các điểm sinh hoạt không xin phép chính quyền, công tác nắm địa bàn còn hạn chế.
 4- Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ trực thuôc Đảng ủy và đảng viên chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ còn sơ sài, chưa tập trung vào những vấn đề nổi cộm; một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự tiên phong gương mẫu, trách nhiệm chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với đảng viên chưa được chú trọng đúng mức, chưa chủ động nắm tình hình và dấu hiệu vi phạm, nên đảng viên vi phạm còn nhiều; phát triển đảng viên tại các thôn làng còn chậm, đặc biệt là một số làng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa thường xuyên; nắm bắt tình hình tư tưởng trong dân, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, an ninh nông thôn, những bức xúc trong nội bộ nhân dân chưa kịp thời. Chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân xã vẫn chưa thực sự chủ động nắm bắt và trả lời ý kiến kiến nghị của cư tri, vai trò của các vị đại biểu hội dồng nhân dân tại các thôn, làng hiệu quả phát huy thấp; hiệu lực hiệu quả quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân có lúc chưa cao, giải quyết công việc chậm, vẫn còn cán bộ, công chức chưa thật sự công tâm và tận tình khi giải quyết công việc cho nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa thực sự đẩy mạnh các hoạt động về thôn làng, hộ gia đình, tổ chức hội họp sinh hoạt trong nhân dân, đoàn viên, hội viên còn ít; nội dung, phương thức hoạt động còn nghèo nàn, chưa sát với tình hình thực tế, nên chưa tạo nên động lực lớn để thu hút đoàn viên, hội viên hưởng ứng tham gia.
          III- Đánh giá tổng quát
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị ở huyện; với tinh thần đoàn kết, sự năng động sáng tạo Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong xã đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Tổng giá trị sản xuất đạt 250, 88 tỷ đồng (giá cố định năm 2010); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36,67 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng mạnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu thực hiện có hiệu quả. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ từng bước phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được 14/19 tiêu chí. Chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo cơ bản đạt được kết quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện đáng kể. Trình độ và năng lực công tác của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên. Tổ chức triển khai đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  và thực hiện Nghị quyết Trung ường 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị Đại hội đề ra vẫn còn những hạn chế, yếu kém: Tăng trưởng kinh tế còn chậm, chưa bền vững, chưa đạt so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Quản lý dân di cư tự do, quản lý bảo vệ rừng, đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường còn bất cập. Chất lượng dạy và học tại các thôn, làng có lúc chưa thật sự hiệu quả. Công tác xóa đói giảm nghèo chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, 247 hộ chiếm 10,59%, chênh lệch giàu, nghèo ngày càng tăng. An ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định; hoạt động phục hồi FULRO, “Tin lành Đêga”, người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài diễn biến phức tạp; hoạt động của các tôn giáo có biều hiện lất lướt chính quyền, vi phạm pháp luật; đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm không đáng kể. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ trực thuôc Đảng ủy và đảng viên chưa ngang tầm với nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện thường xuyên, công tác dân vận và nắm bắt tình hình tư tưởng trong nhân dân chưa được chú trọng;  phát triển đảng viên tại các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số không đạt so với Nghị quyết. Hoạt động Hội đồng nhân dân và chất lượng hiệu quả quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân có lúc hiệu quả chưa cao. Phương thưc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa thực sự đổi mới và hiệu quả, có lúc vẫn còn hành chính hóa.
          IV- Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
          1- Nguyên nhân
1.1- Nguyên nhân kết quả đạt được
- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện và sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các cơ quan đơn vị của huyện.
- Đảng bộ xã đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của xã là địa bàn có diện tích lớn để phát triển cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao; dân cư đông, lực lượng lao động dồi dào; địa bàn giáp ranh với xã Ea Hleo của tỉnh Đăk Lăk và nằm dọc theo quốc lộ 14 thuận lợi để phát triển dịch vụ.
- Luôn phát huy sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, các cơ quan trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân các dân tộc trong xã để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
1.2- Nguyên nhân yếu kém, hạn chế
Về khách quan
- Là xã trọng điểm về an ninh của huyện, của tỉnh, đối tượng theo và liên quan đến FULRO, “Tin lành Đê ga” nhiều; trong khi đó các đối tượng ở bên ngoài thường xuyên liên lạc, móc nối để tuyên truyền chống phá nên an ninh chính trị luôn tiềm ẩn yếu tố phức tap.
- Nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (10/15) với 4.828 khẩu chiếm 43,6% dân số, xuất phát điểm về kinh tế xã hội thấp, chênh lệch giàu nghèo với người kinh khá lớn; địa bàn rộng, giáp ranh nhiều huyện trong và ngoài tỉnh, dân di cư tự do nhiều nên công tác nắm tình hình và quản lý gặp khó khăn, nhất là quản lý về nhân hộ khẩu, quản lý bảo vệ rừng, đất đai.
- Kinh tế nông nghiệp là chủ yếu lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, giá cả hàng nông sản không ổn định ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
   Về chủ quan
-  Đảng bộ xã chưa thực sự sâu sát và chủ động trong việc quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cấp trên để chủ động đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã có lúc vẫn còn lúng túng, các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về tôn giáo, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân còn chậm.
- Vai trò hạt nhân của các chi bộ trực thuộc Đảng ủy, đặc biệt các chi bộ thôn làng chưa được phát huy, năng lực và sức chiến đấu chưa thực sự rõ nét. Chất lượng và nội dung sinh hoạt của Mặt trận các đoàn thể tại thôn làng còn nghèo nàn. Năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
2- Bài học kinh nghiệm
- Tập trung các giải pháp giữ vững ổn định chính trị-xã hội là yêu tố hàng đầu để phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy tiềm năng của xã và tranh thủ các nguồn lực để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
          - Kịp thời quán triệt các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội để tạo nên sự đồng thuận trong Đảng bộ và nhân dân.
- Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính tri, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ thôn, làng; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ở xã và tại thôn làng có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực công tác và tâm huyết với công việc. Thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực Nghị quyết TW4 khóa XI “về một vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”. Tăng cường hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Phát huy trí tuệ tập thể và vai trò của người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống chính trị.
          - Phải có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị phù hợp với  điều kiện thực tế của địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
          - Thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ tại chổ là người đồng bào dân tộc thiểu số để có tính kế thừa trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
 
 

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: 0963247679 Email: iale.chupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã
- Giấy phép số 09/GP-TĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn

 

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 2
Tổng số lượt truy cập: 77
Số người on-line: 1
Copyright © 2017
icontop.png