Trang chủ > Lịch sử Đảng bộ huyện

lsdb-(1).png




Đặc điểm dân cư và truyền thống văn hóa: tính đến thời điểm năm 2014, huyện Chư Pưh có 13.301 hộ, với 68.929 nhân khẩu, trong đó dân tộc Jrai có 34.917 người, chiếm tỷ lệ 50,66% dân số toàn huyện; dân tộc kinh có 31.508 người, chiếm 45,71% dân số của huyện; dân tộc Bahnar có 900 người, chiếm tỷ lệ 1,31%; các dân tộc khác như: Tày, Dao, Nùng, Mường, Ê Đê có 1.604 người, chiếm 2,32%. Mật độ dân số của huyện là 96,14 người/km2, với trên 10 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chiếm số đông và chủ yếu nhất là người Jrai và người Kinh.
Người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh theo 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài, với tổng số tín đồ là 27.106 người, chiếm 39,32% dân số. Trong thời gian qua, tôn giáo trên địa bàn huyện phát triển mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng số 10.796 tín đồ, thuộc hệ phái Tin lành Miền Nam Việt Nam. Nhìn chung hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây chấp hành tốt chủ trương
Người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh theo 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao Đài, với tổng số tín đồ là 27.106 người, chiếm 39,32% dân sổ. Trong thời gian qua, tôn giáo trên địa bàn huyện phát triển nhanh, nhất là đạo Tin lành phát triển mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng số 10.796 tín đồ, thuộc hệ phái Tin lành miền Nam Việt Nam. Nhìn chung hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây châp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.
Người Kinh có mặt tại địa bàn huyện Chư Pưh từ thời kỳ Pháp thuộc, trong những năm đầu thế kỷ XX, với chính sách chiêu mộ nhân công phục vụ khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân đưa một bộ phận người Kinh từ vùng đồng bằng ven biển miền Trung lên làm công nhân trong các đồn điền trồng chè, cà phê và các công trường làm đường dọc Quốc lộ 14.
Trong thời kỳ chính quyền Sài Gòn kiểm soát từ 1954 - 1975, số người Kinh và một số đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc đến Chư Pưh tăng nhanh, do nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức của chính quyền Sài Gòn, do việc định cư số dân di cư từ miền Bắc vào năm 1954 và chính sách dồn dân từ các tỉnh miền Trung lên các khu dinh điền trong những năm 1957 -1962 dưới thời Ngô Đình Diệm.
Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với chủ trương phát triển Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước, nhằm đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi, kết hợp xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng ở các tỉnh Tây Nguyên, địa bàn huyện Chư Pưh lần lượt tiếp nhận các đợt dân kinh tế mới và một bộ phận dân di cư tự do, chủ yếu là đồng bào các tỉnh phía Bắc vào và miền Trung lên lập nghiệp, sinh sống, tạo ra nguồn nhân lực bổ sung cho địa phương, làm cho số lượng người Kinh ở Chư Pưh tăng lên nhanh chóng.
Người Kinh đến định cư ở Chư Pưh đã mang đến vùng đất mới những nét văn hóa riêng của mình, có tác động lớn đến đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ. Ngoài những tác động về văn hóa vật chất, đó là phương thức canh tác nông nghiệp tiên tiến, cách sinh hoạt, làm ăn, tổ chức cuộc sống mới, còn có những tác động lớn đến văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây.
Nhóm dân tộc thiểu số khác như: Tày, Dao, Nùng, Mường,... đến huyện theo phương thức di cư tự do và các đợt kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chiếm số lương ít, sống rải rác ở các xã. Nhóm cư dân này cũng có những đóng góp nhất định trong việc hòa nhập, xây dựng khối đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Dân tộc Jrai ở Chư Pưh thuộc nhóm Jrai Hdrung (1 trong 5 nhóm Jrai trên địa bàn tỉnh), là cư dân tại chỗ người địa phương, sinh sống quần tụ nhất và có số lượng đông nhất trên địa bàn huyện. Đồng bào Jrai huyện Chư Pưh sinh sống tập trung ở 59 thôn, làng của tất cả các xã, thị trấn thuộc huyện. Trong hai cuộc kháng chiến, đồng bào dân tộc Jrai của huyện đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau ngày miền Nam giải phóng, đồng bào dân tộc Jrai huyện Chư Pưh tiếp tục có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phương thức sản xuất cổ truyền của người Jrai Hdrung ở Chư Pưh trước kia còn khá sơ khai, công cụ sản xuất thô sơ, kỹ thuật canh tác quảng canh. Họ sống chủ yếu dựa vào rừng. Rừng nuôi họ, rừng là nguồn cung cấp chủ yếu từ đất đai canh tác, đến các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống hàng ngày. Hiện nay, phương thức sản xuất của đồng bào Jrai ở Chư Pưh có sự thay đổi theo hướng hiện đại. Kinh tế của đồng bào không còn phụ thuộc nhiều vào rừng, sản xuất hàng hóa trong vùng đồng bào dân tộc Jrai bước đầu phát triển khá. Nhờ vậy, mức sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Đồng bào Jrai có tập quán sống thành từng làng. Làng theo ngôn ngữ của đồng bào là Plơi. Trong làng các gia đình có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi làng có một tập thể già làng, do một già làng có uy tín đứng đầu, có trách nhiệm điều khiển công việc chung của làng theo luật tục như: dời làng, đặt tên làng, tổ chức các lễ hội truyền thống, dựng nhà cho từng gia đình, tổ chức cứu trợ, giúp đỡ những gia đình neo đơn, nghèo khổ... và tập hợp các gia đình thành một khối cộng cư thống nhất trong cộng đồng.
Đến trước thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm Tây Nguyên, ở vùng đồng bào Jrai đã hình thành những liên minh làng gọi là tring. Trong làng đồng bào Jrai hình thành những luật tục, quy định những điều mà tất cả thành viên trong làng phải tuân theo. Luật tục thường không thành văn mà được truyền miệng bằng văn vần. Luật tục của đồng bào Jrai có tính dân chủ cao. Những người vi phạm tội trộm cắp, cướp của, giết người, loạn luân... được xử tội theo luật tục. Việc xử tội do già làng đứng ra chủ trì, được tuân thủ theo các quy định có tính chất “công bằng tự nhiên” như: Hai bên thi nhau lặn nước, đun chì chảy đổ vào lòng bàn tay có lót lá, chặt đầu gà vứt xuống nước... Tóm lại, làng là đơn vị cư trú lâu đời của người Jrai, những thành viên sống trong làng phải tuân thủ các quy định chung của làng. Tính cộng đồng trong đồng bào dân tộc Jrai rất lớn, điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Tế bào nhỏ của làng là các gia đình. Người Jrai Hdrung ở Chư Pưh theo chế độ mẫu hệ và ngoại hôn. Sau khi cưới nhau, người con trai phải sống bên nhà vợ. Việc hôn nhân với người cùng họ hoàn toàn bị luật tục nghiêm cấm. Con gái lớn lên cưới chồng phải tách ra ở riêng. Mỗi nhà sàn của người Jrai là một gia đình nhỏ thường chỉ có hai vợ chồng và con cái. Người con trai đi lấy vợ không được chia của, con gái lấy chồng được chia một phần tài sản của gia đình. Địa vị của người đàn ông trong gia đình Jrai thấp hơn phụ nữ. Người vợ theo luật tục là chủ gia đình. Trong những việc có liên quan đến cộng đồng, người đàn ông đóng vai trò quyết định. Người Jrai ở Chư Pưh trong quá trình giao lưu văn hóa đã có một số biến đổi, nhưng những nét đặc thù truyền thống vẫn được bảo tồn, lưu giữ nhất là những địa phương vùng sâu, vùng xa.
Đồng bào Jrai ở Chư Pưh cũng như đồng bào Jrai ở các vùng khác trên địa bàn tỉnh trong những năm đầu thế kỷ XX đang ở vào giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy, chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp. Mặc dù chưa phân hóa giai cấp, nhưng trong cộng đồng đồng bào dân tộc nơi đây đã xuất hiện tầng lớp giàu - nghèo (tầng lớp trên và tầng lớp dưới), thể hiện qua số tài sản chiêng ché, trâu bò, nhưng đại bộ phận là quần chúng lao động nghèo. Trong thời kỳ đô hộ, xâm lược của Pháp, Mỹ, số người giàu trong làng thường là những người làm việc trong các công sở hoặc đi lính cho Pháp, Mỹ. Tuy nhiên, sự phân biệt giàu nghèo trong vùng đồng bào chưa đủ để phá vỡ chế độ xã hội vốn có từ lâu đời.
Với đặc điểm tự nhiên và sự giao lưu về văn hóa, người Jrai Hdrung ở Chư Pưh có một nền văn hóa mang đậm những nét đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên, đó là nền văn minh nương rẫy và gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Đồng bào dân tộc Jrai trên địa bàn huyện có những nghề thủ công truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, tạc tượng, điêu khắc... Đồng bào Jrai nói riêng và các dân tộc thiểu số bản địa khác trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của người dân Tây Nguyên như: cồng chiêng, nhà rông,...
Văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai ở Chư Pưh thể hiện qua cấu trúc đơn vị làng, khu vực cư trú, cấu trúc nhà ở, nghệ thuật chạm trổ, kỹ thuật điêu khắc, những họa tiết trang trí trên rui mè và bên trong nhà sàn, nhà rông, trên bậc cầu thang lên xuống, qua các tượng nhà mồ, các đồ đan lát như: gùi, các hoa văn trên trang phục váy, khố và những nền văn hóa mang giá trị phi vật thể như: văn hóa nghệ thuật dân gian, âm nhạc.
Nhà rông là công trình điển hình thể hiện tài năng và nghệ thuật kiến trúc của đồng bào Jrai, với mái lá cao vút vươn lên giữa trời xanh và vô vàn họa tiết trang trí độc đáo. Ngôi nhà rông chính là nơi sinh hoạt của cộng đồng, nơi tổ chức các lễ thần linh, lễ hội, xử phạt theo luật tục và cũng là nơi lưu giữ những vật thiêng của dòng họ, cộng đồng.
Trang phục truyền thống của người Jrai Hdrung ở Chư Pưh được dệt bằng thổ cẩm với kiểu cách đơn giản. Đàn ông để khố (toai), có lúc mặc áo hoặc khoác tấm choàng (aban). Phụ nữ mặc váy quấn tấm (eng) với áo chui không cổ. Màu trang phục của người Jrai Hdrung ở Chư Pưh chủ yếu là màu đen, có sọc vàng nhỏ xen kẽ. Dải hoa văn trang trí trắng, đen, đỏ tươi nên thường sặc sỡ hơn trang phục của nhóm Jrai khác, mô típ hoa văn chân rết, ô trám, hình người dắt nhau.
Kho tàng văn học dân gian của đồng bào Jrai ở Chư Pưh có sử thi, truyện cổ, nói vần, kể khan, ca dao... được lưu truyền trong cộng đồng, đây là các loại hình văn chương truyền miệng, là nền tảng của sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào. Sử thi (thể loại hát kể có vần, có điệu, kể khan), có thể coi là biên niên sử của đồng bào Jrai nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Mỗi làng thường có từ một đến hai nghệ nhân thuộc lòng những câu chuyện và kể vào những dịp nông nhàn, mừng lúa mới. Nghệ thuật múa (soang), hát nói cũng là đặc trưng của nghệ thuật dân gian Jrai, phản ánh những nét lao động, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Về tín ngưỡng dân gian, với quan niệm vạn vật hữu linh, nên từ xưa đến nay người Jrai tin rằng trong thế giới tự nhiên muôn hình muôn vẻ, có một lực lượng vô hình tác động đến mọi mặt đời sống con người. Lực lượng vô hình ấy được gọi chung là yang (thần linh). Tất cả mọi việc có liên quan đến đời sống hàng ngày của con người đều được người Jrai tin là đang có Yang cai quản, trông nom. Theo quan niệm của người Jrai có rất nhiều yang, trong các yang, đồng bào Jrai xem trọng hơn cả là yang sang (thần nhà), yang bôn (thần làng), yang pin ia (thần bến nước), yang pơtao (thần gọi mưa) và yang bhet tơngia (thần bản mệnh trẻ em).
Lễ hội cổ truyền của người Jrai Hdrung ở Chư Pưh nói riêng và đồng hào Jrai nói chung có hai hệ thống chính: lễ hội trong một chu kỳ canh tác nương rẫy và lễ hội trong vòng đời người.
Lễ hội trong vòng đời người gồm những nghi lễ cầu sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi trong thời kỳ người phụ nữ mang thai. Nghi lễ được tiến hành trong thời kỳ này không lớn, lễ vật thường chỉ có gà và rượu. Hành động và lời khấn thể hiện việc cầu thần tốt phù hộ, đuổi ma xấu ra khỏi cơ thể người mẹ, người Jrai gọi chung là buăh drang. Lễ hội từ khi đứa bé sinh ra đến khi con người về với thế giới “ông - bà” hiện còn phổ biến là: Lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cầu sức khỏe, lễ tạ ơn thần linh mang lại sức khỏe cho người già (tương đương như lễ mừng thọ). Tất cả những lễ này đều nhằm tôn vinh, dâng lễ vật cho yang mang lại sức khỏe cho con người. Lễ hội sau khi chết gồm một hệ thống các lỗ hội liên quan đến: tang ma, cúng tháng, ăn tắm, bỏ mả (pơthi). Trong những lễ hội theo vòng đời người, người Jrai coi trọng nhất là lễ thổi tai và lễ bỏ mả.
Lễ hội trong chu kỳ canh tác nương rẫy được tiến hành từ khi chọn đất phát cây, gieo hạt, lúa trổ bông, cho đến khi hoàn thành việc thu hoạch. Ngoài ra, còn có những lễ hội liên quan đến cộng đồng như: Lễ cúng bến nước, thực hiện vào dịp đầu năm mới, lễ cầu mưa, lễ đón năm mới... Mục đích chính của những lễ hội này là nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, hoặc cầu sức khỏe cho con người.
Trong các lễ hội, cồng chiêng luôn hiện hữu, là một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Jrai. Cồng chiêng là nhạc cụ mang đậm tính văn hóa cộng đồng,
Gắn với đời sống sinh hoạt và đời sống tâm linh của làng. Chiêng được dùng theo bộ, gắn với vòng đời một con người, từ lúc sinh ra đến lúc về với ông bà tổ tiên. Tiếng cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân, trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng và của từng cá nhân mỗi người, trong lễ mừng chiến thắng, mừng lúa mới, tạ thần linh trời đất, đến lễ thổi tai, trưởng thành và bỏ mả... Tiếng cồng vang lên trong những lúc vui và cả những khi gia đình, cộng đồng có chuyện buồn, bên cạnh ghè rượu cần. Cồng chiêng biểu đạt tình cảm, tâm tư, khát vọng của con người, là tiếng nói tâm linh, tâm hồn người dân cao nguyên đầy tính trữ tình và khát vọng tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sông. Ngoài chức năng nhạc cụ, cồng chiêng còn là vật linh của gia đình và cộng đồng. Ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, cồng chiêng của dân tộc Jrai Hdrung ở Chư Pưh cũng có những đóng góp to lớn trong kho tàng văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
 
hoavan.png

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 2
Tháng hiện tại: 7
Năm hiện tại: 14
Tổng số lượt truy cập: 684
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png