Trang chủ > Chuyên mục > Thông báo > Cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua không gian mạng

Cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua không gian mạng

Ngày đăng bài: 23/02/2024
Hiện nay tình hình tội phạm lừa đảo qua không giang mạng đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, các đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân, nhằm thực hiện hành vi phạm tội của mình. Công an huyện Chư Pưh cảnh báo một số thủ đoạn thường gặp của loại tội phạm này để người dân trên địa bàn huyện nâng cao cảnh giác, phòng ngừa:
1. Thủ đoạn lừa đảo nhận quà trúng thưởng: Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng tự xưng là nhân viên của các công ty, siêu thị uy tín như Điện máy xanh, thế giới di động, các nhà mạng Viettel, Mobifone, các ngân hàng… gọi điện, nhắn tin qua điện thoại, mạng xã hội Facebook, Zalo cho người bị hại thông báo là họ đã trúng thưởng các gói quà bằng hiện vật như xe mô tô, điện thoại Iphone, máy giặt, ti vi, tủ lạnh… hoặc tiền mặt, từ các chương trình khuyến mãi, bóc thăm trúng thưởng. Để nhận được các phần quà trên thì người bị hại phải làm theo các hướng dẫn của các đối tượng như nộp các khoản tiền phí vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, cung cấp số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho các đối tượng, qua đó các đối tượng chiếm đoạt quyền đăng nhập vào các tài khoản ngân hàng Smart Banking rồi chuyển số tiền trong tài khoản của người dân vào tài khoản của các đối tượng, hoặc các đối tượng gửi các đường link để người dân sử dụng điện thoại thông minh nhấp vào sau đó bằng các thủ thuật các đối tượng thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, chiếm đoạt tiền của người dân…
2. Thủ đoạn cho vay tiền qua app (vay tiền online). Lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (zalo, facebook, …) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại. Sau khi tiếp cận được nạn nhân, các đối tượng sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play để các bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo ứng dụng của App. Sau đó, khi bị hại đăng nhập vào App để vay tiền thì App sẽ báo lỗi, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại App thì mới giải ngân được (sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay), hoặc các đối tượng yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân, … Nhiều bị hại thực hiện chuyển tiền nhiều lần để được vay cho đến khi nghi ngờ bị lừa không chuyển nữa thì các đối tượng lừa đảo thông báo nếu không chuyển nữa thì không lấy lại được số tiền đã chuyển và chiếm đoạt số tiền này của bị hại.
3. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.
4. Theo đó, các đối tượng giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc lại và chiếm đoạt số tiền đó.
5. Thủ đoạn giả danh là cán bộ Ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tải khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi, ... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.
6. Một thủ đoạn nữa là giả danh Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. Đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
7. Thủ đoạn lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng. Các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ảo, … do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt offline, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường, … để lừa đảo, kêu gọi đầu tư vào hệ thống do chúng thiết lập. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.
8. Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể, … để thiết lập tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook, …) mạo danh. Sau đó, các đối tượng dùng tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới, … và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến; hoặc đối tượng lừa đảo sử dung hack (chiếm đoạt quyền điều khiển) tài khoản mạng xã hội sau đó tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.
9. Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi các đường link giả mạo quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…). Sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành.
Trên đây là một số thủ đoạn lừa đảo qua mạng thường gặp, Công an huyện Chư Pưh cảnh báo đến người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh khi hoạt động trên không gian mạng phải nêu cao ý thức cảnh giác, đặc biệt là những lời mời chào với các công việc và cách thức kiếm lời nhanh, vay tiền dể dàng, các phần quà, chương trình trúng thưởng… không vào những đường link, trang web lạ, không rõ ràng, cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân và tải các App, không cung cấp mã OTP cho những người khác. Liên hệ cơ quan Công an xã nơi gần nhất khi cần tư vấn, trao đổi, tố giác tội phạm hoặc Công an huyện Chư Pưh, sđt: 02693850115.          
                                       Khánh Quỳnh

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 2
Năm hiện tại: 4
Tổng số lượt truy cập: 4
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png