Trang chủ > Tin tức > Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng > Nghị định của Chính phủ về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệ

Nghị định của Chính phủ về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng bài: 12/10/2023
Điều cốt lõi trong Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung (ban hành ngày 29/9/2023) là chỉ rõ nguồn cơn của căn bệnh “ngồi im, thụ động, sợ sai” trong đội ngũ cán bộ, viên chức và đưa ra biện pháp khắc phục.

Trên thực tế, việc lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện.

nd-73.jpg
Nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, thiếu đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại, sợ bị xem xét trách nhiệm khi có khuyết điểm.
Sự ra đời của Nghị định số 73/2023/NĐ-CP có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Điều 11, Chương III của Nghị định quy định rất rõ ràng các biện pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, khi kết quả đổi mới vì lý do khách quan mà không được như kỳ vọng.
Theo đó, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại, nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều cốt lõi là người lãnh đạo phải nhanh nhạy phát hiện ra vấn đề để đánh giá chuẩn xác sự đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ cấp dưới. Lãnh đạo phải khuyến khích, bảo vệ cấp dưới thì cán bộ mới tâm huyết với công việc.
Mặt khác, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng phải là người có tầm nhìn xa để không vì áp lực phải đổi mới, sáng tạo, mà nôn nóng ủng hộ những ý tưởng chưa chín muồi, không phù hợp với thực tế và khó mang lại hiệu quả. Như Nghị định số 73/2023/NĐ-CP yêu cầu: Có khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn trong cơ chế chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và giải quyết hiệu quả vấn đề được đề xuất; đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực; xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trước hết là hướng tới việc người lãnh đạo cơ quan, đơn vị khuyến khích sự sáng tạo có nhiều cơ hội thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Song, trong trường hợp hy hữu mà sự đổi mới bất thành thì người đứng đầu cũng cần san sẻ trách nhiệm với cán bộ dưới quyền.
Về sự ràng buộc đối với cơ quan sử dụng cán bộ trong việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, Nghị định quy định: "Chịu trách nhiệm về việc phê duyệt đề xuất; về việc không theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện đề xuất hoặc theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện đề xuất không kịp thời, đánh giá việc thực hiện đề xuất chưa toàn diện, khách quan mà không yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt thực hiện đề xuất, để xảy ra thiệt hại".
Còn về việc bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo từ phía người đứng đầu, Điều 16, Chương IV của Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định rất chi tiết.
Nghị định đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ đề xuất đổi mới và cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Người đứng đầu phải chủ động định hướng, tạo đồng thuận trong tập thể lãnh đạo cơ quan tổ chức thực hiện đề xuất.
Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu dựa trên cơ sở kết quả đánh giá của tập thể lãnh đạo để ban hành quyết định theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định về nội dung đề xuất đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không chỉ phải chia sẻ trách nhiệm với cán bộ dám nghĩ, dám làm, mà cũng được khuyến khích, động viên vì đã có tầm nhìn sáng suốt trong việc ủng hộ sự sáng tạo, đổi mới của cán bộ.
Điều 10, Chương III của Nghị định nêu rõ: Cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ được khuyến khích bằng các hình thức: tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị; được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển theo hướng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả cao; được đánh giá là có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để xét nâng ngạch công chức; được xét nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng…
Về phần mình, dù được cơ chế, chính sách tạo điều kiện, được người đứng đầu ủng hộ, khuyến khích thì cán bộ, công chức khi đề xuất ý tưởng đổi mới, sáng tạo cũng cần nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức không được viện lý do "dám nghĩ, dám làm" mà lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định nêu rõ, những cá nhân có một trong các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo có một trong các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tuy được gọi là quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng Nghị định số 73/2023/NĐ-CP thực chất một lần nữa khẳng định mối quan hệ khăng khít, song hành giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tập thể cán bộ, công chức vì mục đích chung.
Nghị định cũng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác cán bộ: Làm thế nào để quy hoạch, bổ nhiệm được người đứng đầu vừa có tâm, vừa có tầm, cũng như tuyển dụng được cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
                       Minh Châu
                                                                 (tổng hợp từ nguồn Tuyên giáo)

Thông tin bản quyền

- Cơ quan: Huyện Chư Pưh- tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Thị trấn Nhơn Hòa - Chư Pưh
- Điện thoai: (0269) 3 850 009 - Fax: (0269)3850009 - Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Siu Y Bé Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử
- Giấy phép: 09 /GP-TTĐT ngày 11/11/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng số lượt truy cập: 7
Số người on-line: 1

Hỗ trợ kỹ thuật


Sdt:(0269) 3850009
Email: ubndchupuh@gialai.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright © 2017
icontop.png